Thời ấu nhi là giai đoạn bước ngoặt đánh dấu khả năng ngôn ngữ của trẻ. Vậy sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ấu nhi diễn ra như thế nào? Hãy cùng các bác sĩ khoa Nhi bệnh viện Hồng Ngọc tìm câu trả lời nhé!
Thời ấu nhi – bước ngoặt phát triển ngôn ngữ của trẻ em
Thời ấu nhi là khoảng thời gian được tính từ khi bé được 1 tuổi cho đến khi được 3 tuổi. Là thời kì bé bắt đầu thôi nôi và lẫm chẫm những bước đi đầu tiên. Bé có thể đưa tay cầm nắm tất cả những gì có được, bé đã biết mở rộng tầm mắt để khám phá những sự vật mới lạ ở khoảng cách xa hơn. Phạm vi giao tiếp của bé cũng được mở rộng, không chỉ gói gọn trong vòng tay của mẹ.
Bé được tiếp xúc nhiều hơn với các sự vật, hiện tượng xung quanh. Chính trong giai đoạn này khả năng ngôn ngữ của bé phát triển mạnh nhất, vốn ngôn ngữ ngày càng phong phú hơn. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ấu nhi được chia thành 3 giai đoạn: giai đoạn trẻ 1 tuổi, giai đoạn 2 tuổi và giai đoạn trẻ được 3 tuổi
Giai đoạn trẻ 1 tuổi
Ở giai đoạn này bé đã biết bắt chước những âm thanh mà bé nghe được đồng thời cũng biết lắng nghe những từ quen thuộc. Đối với những điều không thích trẻ có thể nói “không” và làm cử chỉ lắc đầu không đồng ý. Bé có thêm một khả năng mới là sáng sáng tạo những từ ngữ riêng để gọi tên các đồ vật, con vật hoặc ai đó, bập bẹ nói một số từ ngộ nghĩnh mà nhiều khi cha mẹ không hiểu được. Trẻ biết vẫy tay, biết âu yếm, vuốt ve khi được cha mẹ yêu cầu bằng ngôn ngữ và đã biết tương tác trong những trò chơi như trò ú tim. Khả năng ghi nhớ của trẻ có bước phát triển mới, có thể nhận ra hình ảnh đồ vật, con vật qua tên gọi và có thể hiểu được khoảng 100 từ đơn giản.
Giai đoạn trẻ 2 tuổi
-Từ 14 đến 18 tháng tuổi: Trẻ trong giai đoạn này có thể nói rõ ràng 4 từ trở lên. Nếu như đã được cha mẹ hướng dẫn một vài lần thì trẻ có thể gọi tên lại những đồ vật đó nếu có ai đó chỉ đến chúng. Trẻ có thể sử dụng ít nhất là một từ để diễn đạt các ý như bố, mẹ, ông, bà… Trẻ cũng tự mình tạo ra những từ ngữ đầy ý nghĩa.
–Từ 18 đến 20 tháng tuổi: Trẻ biết chú ý lắng nghe khi được bố mẹ đọc truyện, nghe và thực hiện theo các chỉ dẫn bằng lời nói. Phân biệt được các âm thanh khác nhau và bắt chước lại các từ, các âm thanh đã được nghe. Bé có thể nói 10-15 hoặc nhiều từ khác nhau.
–Trẻ 24 tháng tuổi: Khi được nghe kể chuyện trẻ có thể xác định và phân biệt được hành động cùng các nhân vật trong truyện, gọi tên được các nhân vật qua hình ảnh. Sử dụng những câu đơn giản và biết kết hợp các từ với nhau tạo nên câu có cả danh từ, động từ. Ví dụ như đi chơi, ăn cơm,…Trẻ nhận dạng và gọi tên được các bộ phận cơ thể, quần áo, các đồ vật và bắt đầu biết nghe theo những chỉ dẫn đơn giản gồm 2 bước. Vốn từ giao tiếp của bé lúc này lên đến 300 từ.
Giai đoạn trẻ 3 tuổi
Trẻ có thể hiểu được đến 50 000 từ và hầu hết những kỹ năng giao tiếp cơ bản nhất cho giao tiếp xã hội. Trong giai đoạn này, mỗi ngày trẻ lại tự bổ sung thêm nhiều từ mới. Một số trẻ 3 tuổi có thể hát được những bài ngắn, có giai điệu đơn giản. Nhiều trẻ cũng biết kể chuyện, mặc dù cấu trúc của câu chuyện có thể chưa chính xác. Ngoài ra trẻ đã biết đếm nhưng vẫn chưa hiểu rõ khái niệm số lượng.
Óc tò mò của trẻ ở giai đoạn này cũng được phát huy cao độ qua việc thường xuyên đặt những câu hỏi cho người lớn. Những câu hỏi của trẻ nhiều khi rất ngây thơ và dễ thương. Trẻ nói được những câu ngắn có từ 3-4 từ trở lên, sử dụng nhiều từ để diễn đạt sự quan sát, suy nghĩ của mình. Trẻ có khả năng hiểu những khái niệm về thời gian như buổi sáng, buổi trưa, hôm qua, hôm nay… và nhận biết các màu sắc, tên gọi.
Nắm bắt được sự phát triển ngôn ngữ của trẻ ấu nhi là cơ sở để các bậc cha mẹ có những phương pháp hỗ trợ tốt nhất cho các con trong giai đoạn học nói, giúp quá trình học nói của các con trở nên trọn vẹn hơn.