Sự phát triển tâm lý trẻ em luôn là mối quan tâm của các bậc cha mẹ. Bởi hiểu con cần gì ở độ tuổi nào, có sự phát triển tâm lý ra sao là bước đầu tiên giúp cha mẹ xây dựng mối quan hệ gần gũi với trẻ và giúp con phát triển đúng hướng.
Thời kì trong bụng mẹ
Đây là thời kì được tính từ lúc thụ thai cho đến khi trẻ được sinh ra. Phôi thai lúc này hoàn toàn phụ thuộc vào người mẹ. Giai đoạn này là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển tâm lý trẻ em. Theo các nghiên cứu khoa học, tâm lý của trẻ sẽ chịu tác động rất lớn từ người mẹ. Do vậy, nếu tâm lý của mẹ không tốt có thể gây ảnh hưởng đến trẻ như mẹ hay buồn rầu, cáu gắt, hay mẹ mắc bệnh trầm cảm…
Giai đoạn từ 0 – 18 tháng tuổi
Là thời kì rất quan trọng, tâm lý trẻ có nhiều thay đổi. Các giác quan của trẻ đã phát triển để tiếp nhận mọi kích thích từ môi trường sống xung quanh mang tính tâm lý đầu tiên. Ở giai đoạn này, sự gắn bó thân thiết, gần gũi giữa mẹ và bé sẽ tạo cảm giác yên tâm cho trẻ và khuyến khích được các tiềm năng sinh học phát triển ban đầu.
Giai đoạn từ 18 – 36 tháng tuổi
Sự phát triển tâm lý trẻ em giai đoạn này có bước phát triển đột phá, là nền tảng cho sự hình thành cá tính và nhân cách trẻ sau này. Trẻ đã biết đi, biết nói nên luôn chủ động giao tiếp với mọi người, thích tự mình tìm hiểu và khám phá thế giới xung quanh với niềm yêu thích và say mê. Trẻ đã bước đầu phải tách mẹ, phải học tính tự lập như cai sữa mẹ, đi nhà trẻ và bắt đầu đi vào khuôn khổ, kỉ luật. Chính vì vậy cha mẹ cần quan tâm trẻ một cách đúng mực, tạo điều kiện cho trẻ được va vấp giúp tăng cường năng lực tìm hiểu thế giới để thích nghi ở trẻ.
Giai đoạn từ 3 – 6 tuổi
Nhận thức của trẻ đã phát triển, biết phân biệt đúng sai, phân biệt được giới tính và xu hướng phát triển tính cách theo giới. Bé trai sẽ thường nghịch ngợm, hiếu động, thích những trò chơi mạo hiểm trong khi bé gái thì nhu mì và thích những trò chơi nhẹ nhàng như chơi búp bê, chơi đồ hàng.
Các nhà tâm lý học nhận định đây là giai đoạn sôi động nhất trong sự phát triển tâm lý trẻ em. Cha mẹ cần phải khuyến khích tính độc lập, sự tự tin để phát triển năng lực cá nhân ở trẻ. Không nên bao bọc trẻ quá mức hoặc bỏ bê, đòi hỏi quá mức ở trẻ, gây tổn thương tâm lý dẫn tới nảy sinh các hành vi chống đối, kém giao tiếp, thiếu tự tin, hay sợ hãi…
Giai đoạn từ 6 – 12 tuổi
Trẻ bước vào lớp 1 nên phải học cách làm việc trong môi trường có kỉ luật cao hơn mẫu giáo như đi học đúng giờ, phải ngồi học nhiều giờ, phải chuyên cần hơn… Nhiều trẻ cảm thấy chán ghét và sợ hãi việc đến trường. Giai đoạn này, trẻ luôn muốn khẳng định bản thân trước cha mẹ, thầy cô và bạn bè, không muốn bị coi là trẻ con nữa mà muốn mang vào cái vỏ của người lớn. Ngoài ra áp lực học tập cũng khiến trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến chán học, không muốn tiếp xúc với mọi người xung quanh hoặc muốn gây gổ đánh nhau.
Giai đoạn từ 12 – 19 tuổi
Đặc trưng sự phát triển tâm lý trẻ em của giai đoạn này là hiện tượng dậy thì với nhiều biến động phức tạp như: trẻ biết ngượng ngùng trước những thay đổi của cơ thể, có lúc rất nhiệt tình, sôi nổi nhưng cũng dễ bi quan, chán nản. Ở giai đoạn này trẻ rất muốn thể hiện mình, trẻ có bạn thân cũng như hình thành từng nhóm bạn chơi với nhau và có những tình cảm với bạn khác giới.
Đây là giai đoạn phát triển có tính chất chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn về mọi mặt. Đặc biệt là về tâm lý, trẻ rất dễ chịu ảnh hưởng của các yếu tố không tốt từ bên ngoài do vậy cha mẹ cần quan tâm trẻ nhiều hơn nữa và có những định hướng giáo dục đúng đắn để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.