Tiêm chủng cho bé là việc làm quan trọng và cần thiết trong những giai đoạn đầu đời của trẻ nhỏ, giúp bé ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đáng kể đến cơ thể non yếu của con. Ngoài một số những phản ứng thường gặp ở trẻ sau khi tiêm chủng, đối với mỗi loại vaccin đều có những tác dụng phụ khác nhau phản ứng lên cơ thể của bé. Sau đây là những tác dụng phụ phổ biến của một số loại vaccin phòng bệnh cho bé để các bậc phụ huynh nắm bắt và theo dõi con em trong và sau khi tiêm chủng:
Tác dụng phụ của vaccin viêm gan B
Vaccin viêm gan B là một trong những vaccin an toàn nhất. Hầu hết các em bé sau khi được tiêm chủng vaccin này đều không gặp phản ứng gì. Vaccin viêm gan B chứa thành phần không lây nhiễm, tuy nhiên vẫn có những trường hợp gặp phải một số phản ứng nhẹ như:
- Đau nhức xung quanh mũi tiêm
- Sốt nhẹ hơn 37,7 độ.
- Dị ứng nghiêm trọng: Phản ứng này vô cùng hi hữu, chỉ xảy ra 1 lần trong số 1,1 triệu mũi tiêm
Tác dụng phụ của vaccin bại liệt (OPV)
Sau khi tiêm vaccin bại liệt OPV một số em bé sẽ có cảm giác đau ở mũi tiêm. Ngoài ra, vaccin này không gây ra những phản ứng hay tác dụng phụ nghiêm trọng nào, tỉ lệ người được tiêm và mắc phải tác dụng phụ nguy hiểm là rất ít.
Tác dụng phụ của vaccin MMRV
Khả năng gây nguy hiểm của vaccin MMRV cũng rất hiếm, nếu có phản ứng, đó sẽ là dị ứng khá nghiêm trọng. Phần lớn trẻ em tiêm vaccin MMRV đều không gặp vấn đề gì. Tuy nhiên có thể liệt kê một số nguy cơ về những tác dụng phụ mà vaccin này gây ra như:
- Trường hợp nhẹ: Sốt, sưng hạch ở má, phát ban nhẹ,… xảy ra trong vòng 5 – 12 ngày đầu tiên sau liều tiêm đầu tiên và xuất hiện ít hơn sau liều thứ hai.
- Trường hợp vừa phải: Bé bị động kinh do sốt cao hay rối loạn chảy máu.
- Trường hợp nặng (rất hi hữu): Dị ứng nghiêm trọng, động kinh kéo dài, hôn mê, giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến não bộ sau này.
Tác dụng phụ của vaccin thương hàn
Vaccin thương hàn rất ít khi gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng đối với bé. Nếu bé có phản ứng với vaccin, bé sẽ bị dị ứng. Bên cạnh đó cũng vẫn có một số trường hợp trẻ bị ảnh hưởng tác dụng phụ khác của vaccin thương hàn như:
- Đối với loại vaccin thương hàn bất hoại (dùng qua đường tiêm): Gây sốt (tỉ lệ 1:100); Đau đầu (tỉ lệ 1:30); Gây sưng đỏ ở vùng tiêm (tỉ lệ 1:15).
- Đối với loại vaccin thương hàn sống (dùng qua đường uống): Gây sốt và đau đầu (tỉ lệ 1:20), một số phản ứng như đau bụng, phát ban hay nôn ói đều rất hiếm.
Tác dụng phụ của vaccin phòng chống Hib
Thông thường, hầu hết các em bé khi được tiêm vaccin phòng chống Hib đều không gặp phải vấn đề gì ảnh hưởng tới sức khỏe, vì vaccin này cũng là một trong những loại vaccin lành tính và an toàn. Một số tác dụng phụ không đáng kể, thường chỉ kéo dài trong 2-3 ngày là sốt nhẹ hay sưng và đỏ rát ở vết tiêm.
Tác dụng phụ của vaccin phòng chống Rota
Không có nhiều trường hợp em bé bị phản ứng phụ nguy hiểm vì vaccin Rota, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp mẫn cảm với loại vaccin khiến bé có những triệu chứng như:
- Dễ cáu kỉnh
- Tiêu chảy nhẹ hoặc nôn sau khi tiêm
- Lồng ruột: Trường hợp này rất hiếm, thường trong vòng 1 tuần sau mũi tiêm lần đầu hoặc lần thứ hai.
Tác dụng phụ của vaccin Quinvaxem 5 in 1
Vaccin Quinvaxem (5 in 1) là vắc xin phối hợp gồm giải độc tố vi khuẩn bạch hầu, uốn ván, vi khuẩn ho gà bất hoạt, kháng nguyên vi rút viêm gan B và kháng nguyên vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib). Sau khi tiêm mũi vaccin này, em bé có thể gặp một số phản ứng phụ sau:
- Đau, sưng đỏ vết tiêm
- Khó chịu, quấy khóc nhiều
- Sốt nhẹ
- Kém ăn, tiêu chảy, nôn (tỉ lệ 1:100 đến 1:10)
- Co giật nhẹ, co cơ (tỉ lệ 1:10000 đến 1:1000)
- Sốt cao (hơn 40,5 độ), khóc không dỗ được (tỉ lệ 1:10000)
Tác dụng phụ khi tiêm vaccin DTaP
Cuối cùng, một trong những loại vaccin mà các em bé được tiêm trong những năm đầu là DTaP – vaccin phòng bệnh Bạch hầu – Uốn ván & Ho gà. Các phản ứng thường gặp ở trẻ sau khi tiêm DTaP bao gồm cả mức độ nhẹ đến nghiêm trọng:
Mức độ nhẹ
- Sốt, sưng tấy, đau nhức ở vùng tiêm (tỉ lệ 1:4 trẻ gặp phải): Trường hợp này thường gặp hơn sau liều thứ 4 và thứ 5)
- Cánh tay hoặc chân bị sưng khoảng 1-7 ngày (tỉ lệ 1:30)
- Quấy, kém ăn, nôn: Tình trạng này diễn ra sau 1-3 ngày bé được tiêm.
Mức độ trung bình
- Co giật (tỉ lệ 1:14000)
- Khóc dai dẳng từ 3 giờ đồng hồ trở lên (tỉ lệ 1:1000)
- Sốt cao từ 40,5 độ (tỉ lệ 1:16000)
Mức độ nghiêm trọng (rất hiếm)
- Dị ứng nặng (tỉ lệ 1: 1.000.000) kèm một số triệu chứng khác: co giật, hôn mê, nhận thức kém.
Phản ứng này ảnh hưởng đáng kể đến não bộ của bé sau này. Dù là trường hợp hiếm nhưng các mẹ cần kiểm soát bé thật chu đáo, nhất là trong trường hợp bé bị sốt. Nếu là bé có tiền sử co giật hay trong gia đình có thành viên từng bị co giật thì càng phải chú ý hơn trong và sau khi tiêm chủng cho bé. Và nên đưa bé đi khám sức khỏe tổng quát để nắm bắt được tình hình.