Tròn 1 tuổi là cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của mỗi bé yêu. Ở giai đoạn này bé sẽ có những những biểu hiện tâm lý vô cùng đáng yêu. Hiểu được tâm lý trẻ 1 tuổi sẽ giúp cha mẹ có những cách cư xử khéo léo dành cho các con.
Trẻ không biết sợ hãi, có những hành động nguy hiểm
Thế giới xung quanh đối với trẻ lúc này thật sinh động và hấp dẫn. Tuy nhiên, trẻ lại chưa thể nhận thức hết được cái gì nguy hiểm, cái gì an toàn và thường hành động theo bản năng của mình. Chẳng hạn có thể sẵn sàng túm đuôi của một con mèo, nhảy trên bậc cao xuống,…Đặc biệt trẻ rất có hứng thú với những nút công tắc điện, có thể say sưa “chơi” với chúng mà không cần biết đấy là nút gì.
Nhiều trẻ khác lại rất thích nghịch các ổ điện mà không ý thức được sự nguy hiểm của chúng. Cho trẻ tiếp xúc với môi trường xung quanh là điều cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Chỉ cần an toàn thì cha mẹ nên tạo cho con có cơ hội tìm hiểu, như vậy trẻ sẽ nhớ lâu hơn và ý thức được cái nào gây nguy hiểm để phòng tránh.
Trẻ không có khái niệm thời gian
Lúc này con sẽ chưa xác định được đâu là thời gian chơi, đâu là thời gian ngủ, đâu là lúc ăn… Đây thực sự là vấn đề luôn khiến các ông bố bà mẹ phải đau đầu. Bởi nhiều khi bạn cho con ăn con lại buồn ngủ, tới giờ ngủ thì con lại đòi đi chơi hay lúc bạn muốn đi chơi thì con lại ngủ một cách ngon lành. Do chưa ý thức được về giờ giấc nên trẻ luôn muốn làm mọi thứ theo ý mình và bố mẹ thì phải làm theo mong muốn của trẻ. Chính vì thế bạn cần tạo cho con một thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc.
Trẻ làm theo những gì mình thích
Ở tuổi này trẻ chưa ý thức được cái gì đúng cái gì sai, cái gì xấu cái gì đẹp mà chỉ cần thích thì bé sẽ làm. Món đồ chơi hôm qua bé rất thích nhưng hôm nay có thể ném vứt luôn, không còn “tha thiết” nữa. Bộ quần áo mẹ mới mua, bé rất thích mặc không muốn thay ra, thậm chí kêu khóc khi đi tắm phải cởi. Bé có thể sẵn sàng mặc quần trái, đi dép ngược hay dẫm vào vũng nước trước mặt thay vì đi đường vòng.
Bạn đừng tức giận và quát mắng trước những hành động đó của con. Dù có thể sai lầm nhưng đó cũng là cách để con tìm hiểu thế giới một cách nhanh chóng và rõ ràng nhất. Cha mẹ hãy để con tự học và cảm nhận thế giới xung quanh theo cách của mình. Đây là những hành động thường thấy khi tìm hiểu về tâm lý trẻ 1 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ cũng đang tập nói nên thi thoảng sẽ phát âm ra những từ không rõ ràng, hết sức ngô nghê mà có khi chỉ mỗi bé mới hiểu. Hãy để các con nói những gì mình thích. Cha mẹ đừng vội cười, mà hãy hướng dẫn con học nói để giúp bé có vốn ngôn ngữ phong phú hơn và nói được chuẩn hơn.
Trẻ có thể “ích kỉ” hơn
Trong giai đoạn 12 tháng tuổi, trẻ đã có tình yêu đối với những người gần gũi, chăm sóc mình. Trẻ rất thích được ở bên mẹ, lúc nào cũng muốn được mẹ yêu thương, quan tâm. Vì vậy bé luôn lo sợ khi phải tách mẹ, chỉ cần bạn rời khỏi chỗ bé đang chơi bé sẽ khóc lóc và tìm bạn ngay lập tức. Vì vậy, ở độ tuổi này trẻ luôn coi mình là “trung tâm” trong gia đình, chưa có khái niệm chia sẻ nên nhiều khi có những hành động ích kỉ. Trẻ không muốn chia sẻ đồ chơi của mình cho người khác, cứ giữ khư khư trong tay mặc dù có rất nhiều đồ chơi. Khi thấy có người động vào đồ của mình thì ngay lập tức gạt tay họ ra. Nếu bố hoặc mẹ bế trẻ khác, bé tỏ ra khó chịu, ghen tị, òa khóc thậm chí có thể đánh bé kia.
Để con yêu được phát triển một cách đầy đủ và toàn diện, cha mẹ cần nắm rõ tâm lí của con và hướng dẫn con phát triển bản thân theo cách tự nhiên, đúng đắn, không áp đặt. Nắm bắt được tâm lý bé 1 tuổi không khó chỉ cần cha mẹ chú ý quan sát với tất cả tình yêu thương dành cho con.