Tâm lý trẻ sẽ thay đổi theo từng giai đoạn, từng độ tuổi khác nhau. Cha mẹ cần nắm bắt tâm lý trẻ để có cách cư xử, chăm sóc, nuôi dạy phù hợp, giúp trẻ phát triển đầy đủ và toàn diện.
Tâm lý trẻ 1 tuổi
1 tuổi là cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Ở giai đoạn này, trẻ có tâm lý luôn muốn được yêu thương, quan tâm và sẽ khóc lóc, lo sợ nếu phải rời khỏi vòng tay của những người gần gũi, gắn bó, chăm sóc mình như cha mẹ, ông bà…
Lúc này, trẻ có tâm lý thích thú khám phá, tìm hiểu thế giới quanh mình, nhưng lại chưa nhận thức được những mối nguy hiểm, vì vậy thường hành động một cách bản năng như nghịch ngợm với chó mèo, nghịch ổ điện, công tắc… Do đó, cha mẹ cần hiểu tâm lý trẻ để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho bé yêu.
Đây cũng là thời kỳ tập nói của trẻ nên có thể trẻ sẽ phát âm ra những từ không có nghĩa. Cha mẹ cần hiểu đó là “ngôn ngữ riêng” của trẻ giai đoạn này và cần khuyến khích trẻ học nói bằng cách giao tiếp thật nhiều với trẻ, giúp phong phú thêm từ điển ngôn từ của trẻ.
Ở tuổi này, trẻ chưa ý thức được thời gian nên luôn muốn làm mọi thứ theo ý mình. Vì vậy, cha mẹ cần tạo cho con một thời gian biểu quy củ, để trẻ được ăn uống, vui chơi, ngủ nghỉ khoa học, đúng giờ.
Trẻ 1 tuổi chưa thể phân biệt được đúng – sai, xấu – tốt, mà chỉ hành động theo ý thích. Vì chưa có khái niệm chia sẻ nên trẻ sẽ có những hành động ích kỉ như khư khư giữ của, ghen tị, òa khóc khi bố mẹ bế ẵm những trẻ khác… Cha mẹ cần hiểu tâm lý trẻ để không nổi nóng hay quát tháo khi trẻ phạm lỗi hay tỏ ra ích kỷ.
Tâm lý trẻ 2 tuổi
Bé 2 tuổi thường dễ hờn dỗi và xúc động. Do tốc độ suy nghĩ nhanh hơn tốc độ nói nên bé không thể bộc lộ, diễn tả được hết những gì đang diễn ra trong đầu. Bé đành chọn cách la hét, cáu kỉnh để gây sự chú ý của người lớn. Hiểu được tâm lý này của trẻ, bố mẹ cần bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích, chứ không nên quát mắng trẻ.
Giai đoạn này, trẻ mong muốn tự lập, muốn tự mình làm mọi thứ nhưng các hành động vẫn còn khá vụng về, lóng ngóng. Cha mẹ có thể rèn cho bé các kỹ năng cơ bản như: tự xúc ăn, lấy cốc uống nước, rửa tay, mặc quần áo, xỏ giầy dép, đánh răng, thu dọn đồ chơi, bỏ rác vào thùng rác…
Trẻ có thể mất hàng giờ mỗi bữa ăn, miệng ngậm đầy thức ăn mà không nuốt. Bé có thể không ra hiệu lệnh trước khi muốn đi vệ sinh khiến cha mẹ phải dọn dẹp “hậu quả”. Đôi khi bé nổi giận, la hét, khóc lóc ăn vạ ở những nơi công cộng. Cha mẹ nên nắm bắt được tâm lý trẻ 2 tuổi, liệu trước những tình huống “dở khóc, dở cười” này để bình tĩnh, cư xử khéo léo với trẻ.
Tâm lý trẻ 3 tuổi
Trẻ 3 tuổi bắt đầu ý thức về bản thân, giới tính của mình, thích được khen ngợi, động viên, đặc biệt thích độc lập, tự mình làm mọi việc mà không có sự can thiệp của người lớn.
Trẻ 3 tuổi biết tương tác, chia sẻ, thích bắt chước cử chỉ hành động của người lớn. Lúc này, bé đã có ý thức về cảm xúc như không còn sự rụt rè, nhút nhát mà trở nên mạnh dạn hơn, xấu hổ khi phạm lỗi, biết bày tỏ và thể hiện tình cảm…
Bé bước vào giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” với các biểu hiện tâm lý như bướng bỉnh, ngoan cố, chống đối, không chịu nghe lời người lớn do bé có nhu cầu độc lập phát triển bản thân và thể hiện “cái tôi”.
Đối phó với tâm lý trẻ lên 3, cha mẹ cần luôn luôn theo sát, tạo cảm giác an toàn, tin cậy cho bé, dạy bé tính tự giác và độc lập, dạy bé tự bảo vệ bản thân giúp bé tránh xa những mối nguy hiểm.
Tâm lý trẻ 4 tuổi
Trẻ 4 tuổi đã ý thức được các mối quan hệ trong gia đình, biết ghi nhớ tên tuổi của bản thân và bố mẹ, biết so sánh bản thân và bạn khác. Thời kỳ này, trẻ rất nhạy cảm, vì vậy cha mẹ không nên ca ngợi hay chê bai trách móc trẻ với người khác để tránh trẻ nảy sinh tâm lý tự ti hoặc kiêu ngạo.
Ở độ tuổi này, trẻ yêu ghét rõ ràng và đã biết xây dựng các mối quan hệ với mọi người xung quanh như quấn quýt bố mẹ, chỉ thích chơi với mẹ, chỉ để bố cho ăn, có bạn thân ở trường, lớp…
Tính cách của trẻ được thể hiện rõ ràng trong giai đoạn này. Ngoài những sở thích trước đó, trẻ có thêm nhiều mối quan tâm, sở thích mới như tô màu, xem hoạt hình, nghe ca nhạc… Đặc biệt, trẻ 4 tuổi rất hiếu kỳ và hay ra đặt hàng vạn câu hỏi vì sao nhờ bố mẹ giải đáp.
Trẻ 4 tuổi muốn tự chăm sóc bản thân, tự học hỏi những thói quen sinh hoạt cá nhân cần thiết như một người lớn. Cha mẹ cần khuyến khích trẻ 4 tuổi tự lập sớm.
Tâm lý trẻ 5 tuổi
Trẻ 5 tuổi đã ý thức được quyền sở hữu. Cha mẹ cần rèn cho con thói quen biết chia sẻ, không ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân.
Độ tuổi này, trẻ đã bắt đầu hiểu được một cách đơn giản trạng thái vui, buồn, thất vọng, giận dữ… của mọi người. Vì vậy, hành vi của người lớn tác động không nhỏ đến sự hình nhân cách của trẻ về sau. Những tính cách, lối sống, thói quen sinh hoạt không tốt từ người lớn sẽ dễ “tiêm nhiễm” vào tâm hồn ngây thơ của con trẻ.
Cha mẹ cần dạy trẻ những khái niệm khoa học đơn giản, đồng thời giáo dục trẻ các kỹ năng sống cần thiết như: tránh xa các mối nguy hiểm (ổ điện, nước sôi, bếp lửa…), tham gia giao thông như thế nào cho đúng, cách ứng phó với người lạ, ghi nhớ những thông tin cơ bản của cá nhân và bố mẹ…
Tâm lý trẻ 5 tuổi diễn biến phức tạp hơn và có sự phân hóa rõ ràng. Trẻ đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc đa dạng hơn từ cả bố và mẹ. Khi trẻ không hài lòng, tỏ ra cứng đầu, ương bướng mà bố mẹ không chịu hiểu, không có sự cảm thông chia sẻ, thì trẻ rất dễ bị tổn thương về tâm hồn.
Khả năng ngôn ngữ của trẻ 5 tuổi đã phát triển tương đối hoàn thiện, giúp trẻ dễ dàng diễn đạt ý muốn, suy nghĩ, cảm xúc của mình đồng thời hiểu được những câu nói dài của người lớn – đây là nền tảng để trẻ bước vào giai đoạn học chữ, cắp sách đến trường.
Trí tưởng tượng của trẻ 5 tuổi rất phong phú, trẻ đã biết ghét cái ác, yêu cái thiện. Cha mẹ nên bồi đắp tâm hồn trẻ bằng những câu chuyện thiện ác phân minh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên rèn luyện thêm nhiều kỹ năng khác cho trẻ như múa, hát, kể chuyện…