5 tuổi là giai đoạn quan trọng để tiếp thu những kĩ năng cơ bản làm nền tảng cho sự hình thành nhân cách của trẻ sau này. Vì vậy, hiểu tâm lý trẻ 5 tuổi sẽ giúp cha mẹ hiểu con cái hơn và có những phương pháp cụ thể trong việc giáo dục con.
Ý thức rõ ràng về cái tôi cá nhân
Một đặc điểm quan trọng trong tâm lý trẻ 5 tuổi lúc này là ý thức về cái tôi rất rõ ràng. Trẻ đã có ý thức về quyền sở hữu, biết cái gì của mình và cái gì của người khác. Tuy nhiên, nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn thì trẻ sẽ có tính ích kỷ chỉ biết điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người xung quanh.
Đây là một tính cách khó phát hiện trong giai đoạn đầu và cha mẹ chỉ biết khi trẻ bộc lộ một cách khá rõ ràng. Nhưng phát hiện ở giai đoạn này cũng chỉ là để mong chờ những biện pháp giáo dục từ bên ngoài làm thay đổi một tính cách có khi đã ăn sâu trong trẻ. Chính vì vậy cha mẹ cần quan tâm tới tâm lý, tình cảm của các con nhiều hơn nữa đồng thời cần tìm những phương pháp giáo dục nhân cách phù hợp để áp dụng cho con.
5 tuổi là giai đoạn quan trọng hình thành nhân cách của trẻ
Trẻ đã hiểu được thái độ của những người xung quanh và có những phản xạ cơ bản trong cuộc sống như: vui buồn, thành công, thất bại, nhận thức được ưu khuyết điểm của bản thân. Tuy nhiên, khả năng hiểu của trẻ vẫn ở mức độ đơn giản. Trong giai đoạn này, hành vi của người lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình nhân cách của các bé. Các thói quen sinh hoạt không tốt của người lớn như hút thuốc, cáu giận, quát mắng hay nói tục cần phải hạn chế và tốt nhất nên được loại bỏ để tránh trẻ học theo.
Cha mẹ cần trang bị cho trẻ một vài kĩ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trước những tình huống có thể gây nguy hiểm như: tránh xa các ổ điện, phích nước nóng; tham gia giao thông thì đi bên phải đường, đèn xanh được đi, đèn đỏ phải đứng lại; không đi theo người lạ, nhớ những thông tin cơ bản về bản thân như tên tuổi, địa chỉ nhà hay số điện thoại của cha mẹ…Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên giáo dục cho trẻ một số khái niệm khoa học đơn giản để trẻ làm quen với cuộc sống xung quanh.
Trẻ có sự phát triển về ngôn ngữ và cảm xúc
Ở tâm lý trẻ 5 tuổi, tình cảm đã bắt đầu phức tạp hơn và có sự phân hóa như quan hệ gắn bó giữa mẹ và con, nhu cầu giao lưu tình cảm giữa mẹ và bé trai, bố và bé gái cũng ngày càng phát triển hơn. Trẻ luôn đòi hỏi sự quan tâm chăm sóc từ phía cha mẹ một cách cụ thể và đa dạng hơn. Vì vậy, ở một số sự việc mà trẻ không hài lòng đã xuất hiện phản ứng chống đối với nhiều hình thức khác nhau. Điều này khiến cho trẻ rất dễ bị tổn thương về tâm hồn nếu không nhận được sự cảm thông hay được đáp ứng từ phía cha mẹ.
5 tuổi là lứa tuổi phát triển khá hoàn chỉnh về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp, trẻ có thể nói những dài, những câu đầy đủ, phức tạp cũng như hiểu được những câu nói dài của người khác. Điều này là nền tảng để trẻ tiếp nhận những kiến thức của lớp 1 và các cấp học tiếp theo.
Trí tưởng tượng của trẻ vô cùng phong phú
Tâm lí trẻ 5 tuổi rất thích tưởng tượng, trẻ đã biết yêu cái thiện và ghét cái ác. Chính vì vậy, trẻ rất thích nghe những câu chuyện thiện ác phân minh và kết thúc có hậu. Ngoài ra, nhiều trẻ có thể tự bịa ra những câu chuyện như thật để kể cho mọi người nghe. Môi trường học tập tại mẫu giáo cũng giúp trẻ rèn luyện thêm nhiều kĩ năng như hát, múa và tự kể lại rành mạch những câu chuyện đã được nghe…
Trên đây là những biểu hiện ở tâm lý trẻ 5 tuổi mà cha mẹ cần phải nắm rõ để có những kiến thức cơ bản trong việc xử lí các tình huống có thể xảy ra với các bé trong cuộc sống. Đồng thời, đây cũng là sự chuẩn bị cho con những kĩ năng cần thiết trước khi vào lớp 1.