Tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh thường phát sinh trong quá trình bé chào đời gặp phải khó khăn hoặc do tư thế nằm của thai nhi khi còn trong bụng mẹ. Mặc dù không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng tật vẹo cổ sẽ khiến bé gặp khó khăn khi xoay cổ. Dưới đây là thông tin về tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh và cách điều trị cha mẹ nên biết.
Tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh là gì?
Tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là tật cổ xoay) là tình trạng trẻ có đầu bị nghiêng sang một bên và cằm nghiêng theo hướng ngược lại. Theo nghiên cứu, cứ 250 trẻ sơ sinh sẽ có 1 bé bị tình trạng này. Trong một số trường hợp khác, tật vẹo cổ sẽ xuất hiện trễ hơn, đầu và cằm của trẻ sẽ quay cùng một hướng.
Ngoài ra, những bất thường trong quá trình hình thành đốt sống cổ cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này còn được gọi là hội chứng dính bẩm sinh các đốt sống cổ Klippel-Feil.
Trong một số trường hợp rất hiếm gặp, tật vẹo cổ hình thành do những tổn thương nghiêm trọng trong hệ thần kinh hay cơ như não hay u tủy sống.
Triệu chứng của tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Tật vẹo cổ ở trẻ sẽ xuất hiện những triệu chứng liên quan đến việc quay đầu như:
– Đầu trẻ nghiêng về một phía.
– Trẻ thường nhìn qua một bên vai thay vì xoay đầu để quan sát chuyển động.
– Trẻ thích bú một bên vì bú bên còn lại có thể sẽ làm bé cảm thấy khó chịu.
– Bé xoay đầu khó khăn.
– Đầu bé bị lép một bên hoặc hai bên do bé ngủ nghiêng bên phải hoặc bên trái.
– Xuất hiện vết sưng hay u nhỏ ở cổ trẻ giống như một nút thắt nhỏ khi căng cơ.
Cách điều trị tật vẹo cổ ở trẻ sơ sinh
Những bài tập đơn giản
Những bài tập kéo căng và định vị được thực hiện hàng ngày sẽ là hướng điều trị gần như tốt nhất cho tật vẹo cổ ở trẻ.
– Phụ huynh có thể tập cho bé di chuyển đầu cổ sang hướng mà bé ít nghiêng qua.
– Thường xuyên cho bé nằm sấp trên một tấm chăn hay trên bề mặt mềm và để đồ chơi trước mặt bé và chơi cùng bé để thu hút sự tập trung của bé… Bằng cách này, cha mẹ sẽ tập cho đầu của bé ngẩng lên và quan sát đồ vật nhằm giúp cơ cổ của bé cứng cáp hơn.
Vật lý trị liệu
Đây là phương pháp được dùng trong trường hợp trẻ bị vẹo cổ bẩm sinh cơ, giúp tập trung cải thiện các kỹ năng vận động kết hợp việc đánh giá các cử động cổ, cánh tay và cẳng chân của bé.
Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn phụ huynh bài tập uốn nắn và kéo dài để giúp trẻ cải thiện các cơ ở cổ. Ngoài ra, trong lúc chơi đùa hay khi bé ngủ, cha mẹ tiếp tục thực hiện một số bài tập một cách chủ động và thụ động nhằm thúc đẩy quá trình cân bằng trong cơ thể trẻ.
Thành công của phương pháp vật lý trị liệu sẽ phụ thuộc vào việc thực hiện sớm hay muộn, sự cam kết của gia đình và mức độ nghiêm trọng của các tổn thương cơ hay sự xuất hiện của nút thắt cơ. Phương pháp này có tỉ lệ thành công rất cao, khoảng 90 – 99%.
Phương pháp phẫu thuật
Sau khoảng 18 tháng luyện tập các bài tập vật lý trị liệu mà cơ cổ của bé vẫn yếu và chưa đủ sức để giúp tật vẹo cổ hồi phục hoàn toàn, các bác sỹ thường sẽ chỉ định phẫu thuật để chỉnh hình cho bé. Phẫu thuật có thể giúp kéo dài các cơ và giúp bé có thêm cơ hội phụ hồi tật vẹo cổ cao hơn.