Khi trẻ thấp lùn do thiếu hormone tăng trưởng mà không được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ có chiều cao như những chú lùn trong truyện cổ tích và chịu không ít thiệt thòi trong tương lai.
Thiếu hormone tăng trưởng – điều trị sớm, phát triển tốt
Hormone tăng trưởng (hGH) là loại hormone kích thích sự phát triển thể chất, tạo khối cơ bắp, giúp xương trưởng thành, điều hòa đường huyết và hệ miễn dịch. Hormone này được sản xuất bởi thùy trước tuyến yên (anterior pituitary gland), một tuyến nhỏ nằm ở nền não. Thiếu hormone tăng trưởng thường do trục trặc tại tuyến yên – cơ quan sản xuất hoạt chất sinh học hGH.
Thiếu hormone tăng trưởng có thể là do bẩm sinh, hoặc do mắc phải – như do bệnh u tuyến yên, chấn thương, nhiễm khuẩn (viêm não, màng não), nhiễm xạ trong não… Trên thế giới, lùn tuyến yên được chẩn đoán hồi cuối thế kỷ thứ 18, nhưng mãi đến năm 1985 người ta mới bắt đầu chữa trị bằng hormone tăng trưởng.
Tuy nhiên, không phải cứ thấp lùn đều do thiếu hormone tăng trưởng. Để tìm ra nguyên nhân trẻ thấp lùn, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử mang thai, sinh nở của người mẹ (ví dụ, nếu trong thai kỳ, mẹ bị ốm, nhiễm trùng… cũng ảnh hưởng đến chiều cao sau này của đứa con trong bụng), tiền sử bệnh tật của trẻ từ lúc sinh cho đến thời điểm thăm khám, tốc độ tăng trưởng hằng năm của trẻ…
Sau đó, các bác sĩ xem xét các yếu tố dinh dưỡng và một số bệnh tật đặc biệt, nặng nề, mãn tính có thể ảnh hưởng đến phát triển chiều cao như hen điều trị lâu dài, suy thận mãn, thiếu máu mãn tính, tan máu bẩm sinh, bệnh lý rối loạn nội tiết, dị tật bẩm sinh hoặc biến dạng xương…
Bình thường ở trẻ có 3 giai đoạn phát triển chiều cao. Từ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ tăng 8-10 cm/năm; từ 3-10 tuổi ở bé gái và 3-13 tuổi ở bé trai, trẻ tăng 6-7 cm/năm và giai đoạn dậy thì có thể tăng vọt 8-12 cm/năm. Qua quá trình nghiên cứu, các bác sĩ nhận thấy dấu hiệu để báo trẻ mắc bệnh lùn tuyến yên là mức độ tăng trưởng hằng năm ít hơn 4 cm từ lúc 2 tuổi đến khi dậy thì.
Biểu hiện trẻ thiếu hormone tăng trưởng thường chỉ được phát hiện sau 3 tuổi vì trong 3 năm đầu, trẻ vẫn phát triển bình thường. Đặc điểm dễ nhận thấy của trẻ khi mắc bệnh này là lùn cân đối, chiều dài của thân và chi cân đối, không có bất thường gì về xương, không bị biến dạng xương, khuôn mặt bầu bĩnh, cằm nhỏ, giọng thanh.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh khi thấy con cái mình gần như không tăng trưởng chiều cao hoặc tăng trưởng rất chậm, thấp hơn so với các bạn cùng lớp, thấp hơn so với trẻ cùng tuổi trong họ hàng mình, trẻ càng lớn sự phát triển chiều cao càng cách biệt so với trẻ cùng lứa tuổi thì nên cho trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân, có chỉ định điều trị phù hợp.
Thông thường các bệnh nhi “chậm cao” do thiếu hormone tăng trưởng sẽ được điều trị kéo dài dưới sự giám sát của bác sĩ cho đến khi trẻ dậy thì và chỉ ngừng khi chiều cao phù hợp với tuổi, chiều cao không tăng lên hoặc tuổi xương ngoài 13. Liều dùng hormone tăng trưởng phụ thuộc vào cân nặng của trẻ, trẻ càng nặng cân, liều dùng càng lớn, chi phí càng cao.
Trẻ được tiêm hormone tăng trưởng dưới da trước khi ngủ mỗi ngày bởi hormone này sản sinh nhiều nhất vào giấc ngủ sâu ban đêm. Trong quá trình tiêm thuốc, trẻ cần tái khám định kỳ để được xét nghiệm, đánh giá việc đáp ứng thuốc cùng những phát hiện kịp thời các tác dụng phụ của thuốc nếu có.
Về lý thuyết, hormone tăng trưởng sẽ có những tác dụng phụ nhất định như gây nhức đầu, đau các khớp xương, tăng đường huyết. Tất cả tác dụng phụ đều có thể điều chỉnh bằng cách ngưng điều trị hoặc giảm liều thuốc. Tuy nhiên các tác dụng phụ này thường thoáng qua và hiếm gặp. Trong thời gian điều trị, trẻ vẫn sinh hoạt bình thường, có thể tập điền kinh, chạy bộ, chơi các môn thể thao khác.
Năm đầu điều trị, thuốc có tác dụng mạnh nhất với chiều cao tăng khoảng 10 cm/năm, các năm sau tốc độ tăng trưởng chậm dần. Tuy nhiên, đáp ứng thuốc còn phụ thuộc vào tuổi bắt đầu điều trị và mức độ thiếu hormone tăng trưởng.
Giới chuyên môn đặc biệt lưu ý việc phát hiện và điều trị sớm bệnh lùn do thiếu hormone tăng trưởng là vô cùng quan trọng. Bởi hormone tăng trưởng đem lại hiệu quả cao với điều kiện trẻ phải được điều trị trước tuổi dậy thì, tốt nhất là dùng thuốc từ 4-5 tuổi và dưới 13 tuổi. Nếu qua “thời gian vàng” này, các sụn xương của trẻ không được kích thích sẽ đóng lại, dẫn đến việc dùng hormone tăng trưởng sẽ không còn tác dụng.
Nếu được can thiệp kịp thời thì trẻ sẽ có chiều cao trưởng thành sau này gần mức bình thường. Còn nếu không được điều trị sớm, khi trưởng thành đứa trẻ chỉ cao khoảng 1,2m-1,3m; gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống như khó hòa nhập với cộng đồng, có thể bị kỳ thị bởi mọi người xung quanh, khó tìm việc và lập gia đình.
Những sai lầm khi điều trị thiếu hormone tăng trưởng
Thực tế, không ít phụ huynh cho rằng, đến tuổi lớn tự khắc bọn trẻ sẽ cao lớn, có kìm cũng không được, hoặc tâm lý chấp nhận “bố mẹ không cao thì bảo sao con chẳng lùn”. Lại có những ông bố, bà mẹ do bận rộn công việc và cảm nhận bằng mắt quá trình trưởng thành của con cái mỗi ngày, nghĩ rằng các bé sinh hoạt và phát triển hoàn toàn bình thường nên ít lưu tâm. Chỉ đến khi trẻ đứng vào hàng ngũ với nhiều trẻ đồng trang lứa khác mới giật mình trước chiều cao quá bất thường của trẻ.
Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ nhận thấy con mình có chiều cao khiêm tốn hơn hẳn so với các bạn cùng tuổi, nhưng không nghĩ đó có thể là bệnh lý, mà chỉ cho rằng nguyên nhân nằm ở vấn đề dinh dưỡng. Đa số tìm đến chuyên gia dinh dưỡng, thay đổi chế độ ăn, bổ sung thực phẩm mà không đem lại kết quả, vòng vèo mãi mới đưa con đi xét nghiệm nội tiết tố và mới hay còn mình thiếu hormone tăng trưởng.
Do tâm lý muốn con cao lớn, có những ông bố, bà mẹ đã không tiếc tiền mua các loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo như “thần dược” giúp tăng trưởng chiều cao lý tưởng cho trẻ, mà chưa biết thực hư ra sao. Đánh vào tâm lý của người làm cha làm mẹ ai cũng mong muốn con mình có chiều cao tốt, khỏe mạnh, hiện nay, có rất nhiều diễn đàn, trang web đăng tải, giới thiệu về thuốc, thực phẩm chức năng tăng trưởng chiều cao với những lời lẽ gọi mời hấp dẫn, khiến cho nhiều người đặt niềm tin thái quá vào các sản phẩm này.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, với các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng quảng cáo giúp tăng chiều cao nhưng lại không đưa ra căn cứ giải thích bằng cơ chế nào mà có tác dụng thần kỳ như vậy, chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu chứng minh những loại thuốc, thực phẩm chức năng đó có tác dụng tăng chiều cao, thì người tiêu dùng phải hết sức thận trọng, kẻo không những không đem lại kết quả như ý muốn mà còn khiến con cái mình “rước họa vào thân”.
Sau tuổi trưởng thành, muốn phát triển về chiều cao chỉ có một cách là phẫu thuật, tức kéo cho ống xương của mình dài ra. Thực tế, không có thuốc nào có tác dụng thần kỳ làm cho người đã trưởng thành cao thêm, nhất là trong độ tuổi từ 21-35 khi xương đã phát triển hoàn toàn.
Trong các sản phẩm vốn được quảng cáo tăng chiều cao, thành phần chủ yếu là canxi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu bổ sung canxi quá liều sẽ dẫn tới tăng canxi huyết. Khi lượng canxi huyết cao có thể lắng đọng canxi ở cầu thận hay ống thận (gây sỏi thận), thậm chí dẫn đến suy thận. Các loại vitamin A và D3 có trong thực phẩm chức năng cũng phải được dùng thận trọng bởi nếu dùng liều cao, trẻ sẽ bị tăng áp lực sọ, khô da, rụng tóc, chán ăn, ngưng tăng trưởng…
Đáng lo ngại hơn cả, hiện nay, có tình trạng phụ huynh sau khi đưa con đi khám, xét nghiệm và trẻ được chỉ định bổ sung hGH do thiếu hormone tăng trưởng thì sau đó, họ không cho trẻ quay lại tái khám, theo dõi tác dụng phụ như hẹn của bác sĩ mà tự đi mua thuốc về tiêm cho trẻ. Việc này dẫn đến hậu quả khi có sự cố hay tác dụng phụ cho trẻ sẽ khó xử lý và phát hiện kịp thời.
Lời khuyên của các chuyên gia y tế là, không nên tùy tiện sử dụng hormone tăng trưởng do hormone luôn có tính hai mặt và có thể gây nguy hiểm trong trường hợp sử dụng không hợp lý, không có sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa.
Việc điều trị hormone tăng trưởng chỉ được chỉ định cho những trường hợp cơ thể thiếu hormone tăng trưởng. Những người thấp bé do di truyền sẽ không thể cải thiện chiều cao bằng loại thuốc nêu trên. Thậm chí, người bình thường nếu cố tình dùng thuốc để “chân dài” sẽ khiến chất này bị dư thừa, gây ra các rối loạn nội tiết mà hậu quả là không thể lường hết.