Thiểu năng trí tuệ ở trẻ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập, giao tiếp xã hội và sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ nên làm gì khi con em mình mắc bệnh thiểu năng trí tuệ? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh.
Thiểu năng trí tuệ ở trẻ là gì?
Thiểu năng trí tuệ ở trẻ hay còn gọi là chậm phát triển trí tuệ là dạng bệnh suy giảm trí tuệ, khả năng tinh thần và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống hằng ngày.
Trẻ thiểu năng trí tuệ bị hạn chế khả năng học hỏi, tư duy để giải quyết vấn đề, đồng thời bị hạn chế khả năng thích nghi, khả năng giao tiếp và khả năng tự lập.
Dấu hiệu thiểu năng trí tuệ ở trẻ
– Tiếng khóc: Trẻ thiểu năng trí tuệ không khóc ngay khi chào đời hoặc khóc yếu ớt, da dẻ xanh xao tím tái. Cho tới khi 6 tháng tuổi, trẻ vẫn không kêu khóc, tiếng khóc yếu ớt. Nhiều trẻ bỗng dưng khóc to nhưng không có âm vang, khóc vội và mau hết khóc.
– Ngoại hình: Trẻ thiểu năng trí tuệ thường có sống mũi dẹt, mũi tẹt, hay há miệng và thè lưỡi, 2 mắt cách xa nhau và thường xếch lên khi khóc. Vòng đầu của trẻ thiểu năng trí tuệ khi 6 tháng tuổi nhỏ hơn 43cm, trán và chẩm đầu dẹp.
– Ăn uống: Trẻ thiểu năng trí tuệ gặp khó khăn trong bú, nuốt, nhai, dễ bị sặc, nghẹn, trớ, nôn mửa…
– Giấc ngủ: Trẻ thiểu năng trí tuệ thường có giấc ngủ dài hơn bình thường. Trẻ 1 tháng ngủ nhiều hơn 20 tiếng/ngày. Trẻ 2-3 tháng ngủ trên 18 tiếng/ngày, 5-9 tháng ngủ trên 16 tiếng, 1 tuổi ngủ trên 15 tiếng.
– Cử động, vận động: Dù đã 3 tháng tuổi nhưng trẻ vẫn không biết thẳng đầu và quay đầu. Người trẻ duỗi đờ, quá mềm hoặc quá cứng, không co người lại khi được bế ẵm. Trẻ chậm lẫy, ngồi, đứng, đi… Trẻ thụ động, suốt ngày năm 1 chỗ, tay chân vận động lóng ngóng, kém linh hoạt.
– Ánh mắt: Khi 3 tháng tuổi, trẻ liên tục hướng mắt vào trong hoặc ra ngoài, mắt nhìn đăm đăm vào 1 điểm. Ngoài 6 tháng, trẻ vẫn có ánh mắt khác thường, đờ đẫn, ánh mắt di chuyển chậm, không chuyển hướng về phía có âm thanh phát ra, chỉ tập trung vào 1 sự vật.
– Biểu cảm: Sau sinh, trẻ có biểu hiện chậm chạp, đờ đẫn. 3 tháng tuổi mà trẻ vẫn không biết cười đùa khi được hỏi chuyện.
– Vui chơi: Trẻ phản ứng chậm với sự kích thích ở bên ngoài, tỏ ra không hứng thú với mọi thứ xung quanh, không thích giao lưu và vui chơi cùng các bạn. 4-6 tháng tuổi, trẻ vẫn không có phản ứng với âm thanh của đồ chơi, không biết dõi theo đồ vật hoặc mọi người. Trẻ thường ném, đập phá đồ chơi khi lớn hơn chút.
– Ngôn ngữ: Trẻ phát triển ngôn ngữ chậm, đến 10 tháng tuổi vẫn không thể phát ra âm hoặc âm không rõ ràng. Trẻ lớn hơn có vốn từ vựng nghèo nàn, khả năng diễn đạt kém, không quan tâm người khác nói, từ chối giao tiếp với người khác.
– Thói quen: Trẻ có thói quen chảy nước miếng dù đã 7-9 tháng tuổi. Một số trẻ có sở thích ngậm tay, nghịch tay của mình hay khi tỉnh có động tác nghiến răng.
– Nhận thức: Trẻ thờ ơ, phản ứng chậm, không có biểu hiện muốn nhận biết thế giới quanh mình dù đã 5 tháng tuổi. Tư duy trẻ kém linh hoạt, không chịu quan sát, không nhận biết được màu sắc. Trẻ gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, hay mất tập trung, chậm hiểu, mau quên.
Nguyên nhân gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ
– Thiểu năng trí tuệ ở trẻ có nguyên nhân từ việc mẹ bầu mắc bệnh do virus, kí sinh trùng, uống kháng sinh gây hại cho thai nhi trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
– Do mẹ bầu tiếp xúc nhiều với các hoá chất và môi trường độc hại khiến con sinh ra bị thiểu năng trí tuệ.
– Sinh non, bị ngạt sơ sinh, bị ảnh hưởng do can thiệp sản khoa… là tác nhân gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ.
– Mắc bệnh trong những năm đầu đời như viêm não, viêm màng não… gây thiểu năng trí tuệ ở trẻ.
– Thiểu năng trí tuệ ở trẻ còn do mắc phải hội chứng Down, hội chứng tự kỷ, bệnh suy giáp, thiểu năng tuyến giáp, sốt cao ảnh hưởng não bộ… hay do tai nạn chấn thương.
– Môi trường sống thiếu sự tiếp xúc, giao lưu, quan hệ, thiếu tình cảm cũng là nguyên nhân gây nguy cơ thiểu năng trí tuệ ở trẻ.
Thiểu năng trí tuệ ở trẻ, cha mẹ nên làm gì?
– Hãy đưa trẻ tới trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ thiểu năng trí tuệ. Ở đó, bác sĩ sức khoẻ tâm trí sẽ kiểm tra mức độ thiểu năng trí tuệ của trẻ để có phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của từng trẻ. Bên cạnh đó, trẻ sẽ được dạy dỗ, chăm sóc bởi các giáo viên có chuyên môn, kinh nghiệm, phương pháp giáo dục, lòng yêu trẻ và sự kiên trì. Đây là môi trường tốt để giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng sau này.
– Gia đình có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ thiểu năng trí tuệ. Ngoài việc dành nhiều thời gian cho con, cha mẹ cần hết sức kiên nhẫn, yêu thương và luôn sát cánh cùng con.
– Hãy đồng hành với con trong các hoạt động hàng ngày như ăn uống, vệ sinh thân thể, vui chơi, đọc sách… Hướng dẫn con từ những điều nhỏ nhất cho đến phức tạp. Lặp đi lặp lại những hành động phức tạp giúp con ghi nhớ.
– Dành cho con thật nhiều tình cảm nồng ấm, sự gần gũi âu yếm, sự sẻ chia chuyện trò. Thường xuyên khen ngợi để động viên, khuyến khích, tạo cho trẻ hứng thú làm mọi việc.
– Không nên nhốt trẻ ở nhà. Cần cho trẻ làm quen với thế giới rộng lớn bên ngoài để trẻ được giao lưu, tiếp xúc, vui chơi với bạn bè và mọi người xung quanh thật nhiều, từ đó trẻ sẽ trở nên dạn dĩ, tự tin, hiểu biết hơn. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ gọi tên các màu sắc, đồ vật, con vật, sự việc mà trẻ gặp khi ra ngoài. Lặp lại nhiều lần những thông tin đã dạy trẻ giúp bé khắc sâu vào tâm trí thế giới quan sinh động.
Phòng ngừa bệnh thiểu năng trí tuệ ở trẻ
Để phòng ngừa bệnh thiểu năng trí tuệ ở trẻ, cha mẹ cần lưu ý môi trường sống xung quanh con. Mỗi ngày, cha mẹ hãy luôn quan tâm, gần gũi, thủ thỉ, tâm sự, chơi đùa cùng con. Mua cho trẻ những đồ chơi trí tuệ như lắp ghép, xếp hình, đất nặn… giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo.
Khi đến tuổi đi lớp, trẻ cần được đi mẫu giáo, đi học đầy đủ. Trường học là môi trường rộng lớn giúp trẻ thoả sức học tập, sáng tạo, thu nạp những kiến thức bổ ích giúp phát triển trí tuệ, được giao lưu với bạn bè, thầy cô, nâng cao khả năng giao tiếp, làm phong phú thêm vốn từ vựng, được vui chơi, vận động phát triển thể chất…
Cha mẹ cần phát hiện kịp thời những dấu hiệu thiểu năng trí tuệ ở trẻ để đưa trẻ đi khám, điều trị sớm, giúp con em mình có cơ hội phát triển tốt hơn.