Tết là dịp mỗi gia đình lại chung không khí ấm áp tình đoàn viên, nhà nhà đi thăm chúc nhau rồi quây quần trong những bữa cơm năm mới. Cũng bởi lẽ đó mà đôi khi đồng hồ sinh học của hầu hết các gia đình đều bị xáo trộn, không như mọi ngày. Nhưng nếu gia đình bạn có trẻ nhỏ, hãy chú ý nhiều hơn đến thực đơn ngày Tết của các con để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của bé.
Thực đơn bé còn bú sữa mẹ
Tết dường như sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến bữa ăn của bé vì nguồn dinh dưỡng chính của trẻ là sữa mẹ. Bởi vậy, để đảm bảo đủ lượng sữa cho trẻ, “nhiệm vụ” của các mẹ là cần ăn đúng bữa và đủ chất dinh dưỡng.
Bữa ăn ngày Tết hẳn sẽ có nhiều món ăn độc đáo và khác lạ hơn ngày thường nhiều khiến các mẹ đôi khi không “kiềm lòng” được và khó kiểm soát thực đơn của mình. Dù sao thì sức khỏe của bé lúc này vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu, vậy nên các mẹ chú ý lựa chọn món ăn phù hợp tránh ăn những món có thể gây tiêu chảy. Nếu bị mất nước, mẹ sẽ không cung cấp đủ sữa cho con dẫn đến việc trẻ không được hấp thụ đầy đủ và trọn vẹn chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mẹ có thể thêm một số món ăn lên men như: dưa, kiệu, dưa chuột bao tử… trong bữa ăn sẽ giúp ngon miệng hơn đồng thời bổ sung nhiều vitamin L có tác dụng kích thích tiết sữa.
Ngoài ra, chế độ sinh hoạt cũng là yếu tố cần lưu ý đối với mẹ và bé những ngày này. Dù có bao nhiêu cuộc vui thì mẹ cũng nên ngủ đủ giấc, tránh thức khuya và đảm bảo cho bé bú đúng giờ, mẹ nhé!
Thực đơn cho bé ăn dặm
Những ngày giáp Tết đối với các mẹ có con nhỏ hẳn là những ngày bận rộn đến quay cuồng. Thế nhưng dành một chút thời gian để chuẩn bị thực đơn ăn dặm dinh dưỡng cho bé sẽ giúp mẹ có thể thảnh thơi hơn trong cả tuần Tết với những bí quyết chế biến sơ thức ăn rồi đông lạnh theo cách sau:
Viên rau đông lạnh
Viên rau bí xanh, đỏ: 0,5kg bí xanh, bỏ vỏ, ruột rồi xắt miếng nhỏ. Đun sôi nửa lít nước, cho bí vào nấu nhừ, để nguội cho vào máy xay nhuyễn, đổ vào khay làm đá.
Viên rau bí đỏ: cách làm giống rau bí xanh
Viên gấc: Hai quả gấc (1,5kg), bổ đôi, lấy phần thịt gấc và bóc màng ở xung quanh hạt gấc, cho 300 ml nước vào, xay nhuyễn, đổ vào khay làm đá. Các mẹ chịu khó bóc màng hạt gấc cho con vì đây chính là nơi có hàm lượng vitamin A và licopene lớn nhất trong quả gấc.
Viên rau hỗn hợp:
- Chuẩn bị: một củ khoai tây (200gr), một củ cà rốt (50gr), Hạt đậu hà Lan (200gr), 1,5 lít nước rồi ninh nhừ, xay nhuyễn, để nguội, cho vào khay đá.
- Chuẩn bị: Nấm rơm (100 gr), xuxu bỏ vỏ thái miếng (100 gr), ngô tươi đã tách hạt hoặc ngô bao tử (200 gr). Cho ngô vào 0,8 lít nước ninh trước cho nhừ, cho tiếp xu xu vào luộc, trước khi xuxu chín nhừ cho nấm vào luộc khoảng 3 phút. Cho hỗn hợp xay nhuyễn, để nguội cho vào khay đá.
- Hoặc mẹ có thể tự sáng tạo các hỗn hợp rau bé thích ăn và làm đông lạnh theo cách trên.
Các khay rau đông lạnh này có trể trữ được trong một tháng, mỗi lần dùng 1-2 viên tùy theo độ tuổi của bé, có thể dùng kết hợp rau bí xanh với gấc, hoặc rau bí đỏ với gấc hoặc một viên bí xanh, đỏ hay gấc với một loại rau tươi khác thái nhỏ trộn cùng. Rau hỗn hợp chỉ cần 1-2 viên tùy lượng bé ăn.
Viên thịt, cá, tôm
Viên thịt: Thịt gà, bò, lợn 200-500 gr, xay nhỏ. Đun nước sôi, cho thịt vào ninh nhừ, để nguội chia vao từng ô trong khay làm đá.
Lưu ý cách tính lượng thịt cho một viên: nếu bé ăn được 30 gr thịt/ bữa thì làm 300 gr thịt xay chia 10 viên đá. Làm mỗi loại thịt một khay.
Viên tôm, cá: tôm lột vỏ, xay nhuyễn, cá bỏ da xương thái lát mỏng. Phi hành thơm xào lên, cho một chút muối, đổ nước vào đun sôi. Cách tính viên cũng như trên.
Viên nước xương
Chuẩn bị: 1 kg xương ống ninh nhừ, lọc lấy nước cho vào khay đá.
Chú ý: Sau khi lấy ra dùng phải cất ngay vào ngăn đá để đảm bảo không có vi khuẩn nào xâm nhập vào các viên còn lại, giữ cho dinh dưỡng còn nguyên vẹn.
Vậy là các mẹ có thể yên tâm về thực đơn ngày Tết cho bé. Mỗi khi đến bữa, các mẹ chỉ cần lưu ý thêm những điều sau:
– Nếu bé ăn bột thì các mẹ mua bột gạo đã xay sẵn, các bé ăn cháo thì mẹ nấu sẵn một nồi cháo trắng, để nguội cho vào hộp cất trong ngăn mát tủ lạnh ăn dần trong 2 hay 3 ngày.
– Quấy bột hoặc cháo cùng viên nước xương, viên thịt hoặc cá, hoặc tôm và viên rau mỗi loại 1 hoặc 2,3 viên tùy theo độ tuổi của bé.
– Khi cháo nấu xong cho ra bát, thêm một thìa café dầu oliu, hoặc dầu gấc, hoặc dầu vừng sẽ giúp bé ngon miệng hơn.
– Theo cách này mỗi ngày vẫn có thể kết hợp để cho bé ăn ba loại cháo hay bột khác nhau, đảm bảo các mẹ sẽ thấy rất nhẹ nhàng, không phải suy nghĩ hay lo lắng gì về bữa ăn của con nữa. Ngay cả khi không ở nhà và đi chơi xa, mẹ vẫn có thể lấy các viên đông lạnh và cháo (bột thì nên gói riêng) cho vào hộp và nấu cho bé khi đến bữa.