Trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng trẻ thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển về thể chất và trí tuệ. Cha mẹ hãy tham khảo những thông tin dưới đây để có thêm những kiến thức bổ ích về dinh dưỡng và chăm sóc cho trẻ suy dinh dưỡng.
Vì sao trẻ suy dinh dưỡng?
– Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ đó là trẻ được ăn không đúng cả về số lượng và chất lượng. Trẻ không được bú mẹ đầy đủ, phải ăn dặm quá sớm (trước 4 tháng tuổi) hoặc khẩu phần ăn thiếu khoa học.
– Do hệ tiêu hóa của trẻ không có khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng.
– Trẻ mắc bệnh nhiễm khuẩn về đường hô hấp, tiêu hóa, gặp biến chứng sau khi mắc các bệnh viêm phổi, sởi, kiết lỵ… dẫn tới suy dinh dưỡng.
– Trẻ sinh non thiếu cân, bị suy dinh dưỡng bào thai, tim bẩm sinh, suy giáp bẩm sinh, vàng da sơ sinh, dị tật sứt môi, hở hàm ếch… khi ra đời dễ bị suy dinh dưỡng.
– Suy dinh dưỡng là căn bệnh của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan chặt chẽ đến kinh tế, văn hóa, là hệ bệnh tật đặc trưng ở các nước đang phát triển.
Thực đơn cho trẻ suy dinh dưỡng
Tăng cường thực phẩm giàu chất đạm
– Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của các bé. Bên cạnh đó, mẹ có thể cho trẻ dưới 6 tháng tuổi sử dụng thêm sữa công thức. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể bổ sung thêm sữa chua, phô mai, váng sữa…
-Trứng có hàm lượng chất béo, đạm, muối khoáng và các vitamin cao. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ nên ăn lòng đỏ để dễ hấp thu, còn trẻ trên 1 tuổi nên ăn cả quả trứng để nạp được dinh dưỡng toàn diện.
-Thịt là thực phẩm giàu năng lượng, có hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là chất đạm, rất cần thiết trong thực đơn để khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
-Cá, tôm, cua, lươn… cũng dồi dào chất đạm và dễ tiêu hoá. Can xi, phốt pho trong những loại thực phẩm này sẽ giúp trẻ không bị còi xương.
Nạp nhiều thực phẩm giàu chất béo
Chất béo cung cấp hơn gấp đôi năng lượng so với chất đạm và chất bột; giúp hấp thu các vitamin tan trong dầu, rất cần cho sự phát triển hệ xương, mắt; cung cấp các axit béo no cần thiết. Do vậy, các mẹ cần cho bé ăn đủ lượng dầu, mỡ để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng theo từng lứa tuổi.
Bổ sung trái cây, vi chất dinh dưỡng
Kết hợp với các bữa ăn cần cho trẻ ăn nhiều trái cây, uống đủ nước, các loại nước hoa quả để cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng mà trẻ có khả năng thiếu hụt như kẽm, vitamin nhóm B, vitamin A, D… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Cho trẻ suy dinh dưỡng ăn đúng cách
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần được bú mẹ theo nhu cầu. Còn trẻ 6 tháng tuổi trở lên, số bữa ăn dặm của trẻ phải tăng lên theo tháng tuổi.
– Mỗi khẩu phần ăn phải đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và bé cần được ăn trong vòng 2 giờ sau khi nấu.
– Tốt nhất nên dùng các thực phẩm tươi để chế biến tốt hơn các thực phẩm đã chế biến sẵn hay phơi khô
– Lưu ý, khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, các mẹ nên chia thành các bữa nhỏ trong ngày. Ngoài 3 bữa ăn chính, thì cần cho trẻ thêm 2-3 bữa phụ. Như vậy sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn, cho dù mỗi bữa bé có ăn ít thì mẹ cũng không lo trẻ thiếu dinh dưỡng.
– Thường xuyên thay đổi thực đơn cũng như cách chế biến các món sao cho phù hợp với khẩu vị của trẻ đồng thời tránh gây chán ngán cho trẻ. Ngoài ra, hãy cố gắng để các món ăn bày biện lên trên bàn ăn của trẻ trông thật màu sắc, hấp dẫn, bắt mắt và ngon lành.
– Nhằm giúp trẻ ăn nhiều hơn đồng thời tạo hứng thú cho trẻ khi ăn, mẹ nên khuyến khích, động viên, tạo bầu không khí vui vẻ trước và trong các bữa ăn. Khi “khởi động” bữa ăn, mẹ có thể thử ăn trước món ăn nào đó một cách ngon miệng và xuýt xoa khen ngon để kích thích sự tò mò và tạo cảm hứng ăn uống cho bé.
– Mẹ cần “đoạn tuyệt” với những thói quen thiếu khoa học sau khi chế biến đồ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng như: Không cho hoặc cho ít dầu mỡ vào thức ăn của trẻ; Không cho trẻ ăn cá, tôm, cua vì sợ con bị tiêu chảy; Trộn quá nhiều đậu xanh, hạt sen, ý dĩ…trong bột xay khiến trẻ sẽ khó nuốt và khó tiêu hoá…
Chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng
– Cách chăm sóc hàng đầu cho trẻ suy dinh dưỡng là đảm bảo vệ sinh ăn uống. Tuyệt đối không sử dụng những thực phẩm bẩn, nhiễm độc tố, hoá chất độc hại để chế biến thức ăn cho trẻ. Dụng cụ làm bếp cần phải bảo đảm vệ sinh, sạch sẽ.
– Trẻ suy dinh dưỡng cần thường xuyên được tắm rửa, vệ sinh thân thể và răng miệng, hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo và nước ngọt có gas.
– Giữ ấm cho trẻ suy dinh dưỡng vào mùa đông, đặc biệt là vùng cổ, tay, chân để tránh nhiễm lạnh và viêm đường hô hấp.
– Dạy trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Không cho trẻ lê la dưới đất bẩn, mút tay hay đưa đồ vật bẩn lên miệng để tránh các bệnh giun sán.
– Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nên tẩy giun cho trẻ 6 tháng/lần, vì trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, sức đề kháng kém…
– Môi trường sống, nơi trẻ ăn, ngủ và vui chơi phải thoáng mát, sạch sẽ. Đồ dùng và đồ chơi của trẻ luôn khô ráo, đảm bảo vệ sinh.