Tiêm phòng thủy đậu cho trẻ là việc cần thiết mà các bậc phụ huynh nên làm để giúp trẻ có sức đề kháng tốt nhất có thể chống lại các nguy cơ nhiễm bệnh. Dưới đây là những thông tin cơ bản về bệnh thủy đậu và tiêm phòng thủy đậu mà cha mẹ cần biết.
Triệu chứng và tác hại của bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh khoảng 10-14 ngày. Khởi phát bệnh thường có triệu chứng nổi mụn nước ở vùng đầu, trên mặt, chân tay, và có thể nổi mụn toàn thân rất nhanh trong vòng 12-24 giờ. Mụn nước có đường kính từ l – 3 mm chứa dịch trong, tuy nhiên nếu tình trạng bệnh nặng thì mụn nước sẽ to hơn, có màu đục do chứa mủ. Bên cạnh nổi mụn nước, bệnh thủy đậu ở trẻ sẽ kèm theo những triệu chứng như bị sốt nhẹ, ban ngứa, biếng ăn, quấy khóc. Thông thường bệnh kéo dài từ 7-10 ngày, nếu không có biến chứng thì các nốt mụn nước sẽ khô dần, chóc vảy và vùng da có mụn sẽ bị thâm, không để lại sẹo. Tuy nhiên nếu trẻ bị nhiễm vi trùng mụn nước thì sẽ để lại sẹo lõm.
Phần lớn những trẻ bị thủy đậu sẽ khỏi bệnh mà không để lại di chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp trẻ có thể bị viêm da, viêm phổi hay viêm não và nặng hơn sẽ dẫn tới tử vong. Nếu người mẹ mắc thủy đậu trong quá trình mang thai thì trẻ sinh ra có thể bị dị tật, sẹo da và một số dấu hiệu bất thường khác. Nếu trẻ đã từng bị mắc bệnh thủy đậu có thể sẽ được miễn dịch và sau này không bị mắc bệnh một lần nữa.
Thời điểm tiêm phòng thủy đậu cho bé
Cha mẹ nên tiêm phòng thủy đậu cho trẻ khoảng 1 tháng trước khi mùa dịch bắt đầu để hạn chế tốt nhất nguy cơ nhiễm bệnh. Cũng như các loại vắc-xin phòng bệnh khác khác, vắc-xin thuỷ đậu cũng cần có thời gian ít nhất là 1-2 tuần để có thể phát huy tác dụng. Tuy nhiên trong khoảng thời gian này nếu trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh thì khả năng mắc bệnh của trẻ vẫn rất cao. Nếu bé tiếp xúc với người đã mắc bệnh thì vẫn có thể đưa bé tới các cơ sở y tế để được tiêm phòng. Nhưng nếu thời gian tiếp xúc trên 5 ngày thì có nhiều khả năng vắc-xin sẽ không bảo vệ bé khỏi bị nhiễm bệnh. Một số trường hợp, sau khi tiêm phòng trẻ vẫn có thể phát bệnh nhưng các triệu chứng cũng sẽ được giảm nhẹ và hầu như sẽ không có biến chứng.
Một vấn đề mà các mẹ cần lưu ý là nên tiêm phòng thủy đậu cho bé trước mùa dịch để tiết kiệm thời gian, tránh tình trạng chen chúc chờ đợi. Mặt khác do nhu cầu tiêm chủng ngừa bệnh trong mùa dịch tăng cao thường khiến vắc-xin bị khan hiếm, thậm chí nhiều cơ sở y tế còn rơi vào tình trạng hết vắc-xin. Chính vì vậy các bà mẹ nên chủ động đưa con đi tiêm để trẻ để hưởng dịch vụ tiêm phòng tốt nhất, đảm bảo sức đề kháng khỏe mạnh có thể chống lại nguy cơ mắc bệnh.
Những đối tượng trẻ em nên tiêm phòng thủy đậu
Một số trẻ bị dị ứng với các thành phần của vắc-xin nên khi đưa trẻ đi tiêm phòng cha mẹ cần phải nói rõ với bác sĩ về tiền sử dị ứng của con em mình. Không nên cho trẻ đi tiêm khi trẻ đang trong tình trạng sốt cao; mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính; trẻ bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh về máu, ung thư, nhiễm HIV, lao phổi; trẻ đang bị viêm da có mủ, chàm ngoài da; trẻ đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe sau ốm nặng. Ngoài ra, phụ nữ đang có thai hoặc nghi ngờ có thai cũng không nên tiêm văc-xin thủy đậu.
Sau khi tiêm phòng trẻ sẽ có một số phản ứng phụ sau: bị sưng, đỏ ở vị trí tiêm phòng, sốt nhẹ, có hiện tượng phát ban nhẹ trong khoảng 5-26 ngày sau tiêm phòng. Đây là những phản ứng phụ có thể xảy ra khi bé tiêm phòng bất kì một loại vắc-xin nào nên cha mẹ không cần lo lắng. Những trường hợp trẻ dị ứng với vắc-xin thủy đậu rất hiếm khi xảy ra và nếu có thì thường xuất hiện trong vòng 15 phút sau khi tiêm. Do vậy, sau khi được tiêm phòng, phụ huynh cần cho trẻ ngồi lại tại cơ sở tiêm phòng đó khoảng 30 phút để theo dõi.