Vi-rút viêm gan A có tính lây lan mạnh vì vậy tỉ lệ người mắc bệnh rất cao. Do đó việc tiêm phòng viêm gan A là vô cùng cần thiết đặc biệt là với trẻ em – đối tượng có sức đề kháng còn tương đối kém.
Bệnh viêm gan A là gì?
Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở gan do vi-rút viêm gan A gây ra. Bệnh có thể phát triển từ nhẹ đến nặng, từ vài tuần đến vài tháng. Khác với bệnh viêm gan B và C lây truyền qua các đường như: qua máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con, bệnh viêm gan A lây từ người này sang người khác do ăn uống thức ăn, nguồn nước và tiếp xúc với các đồ vật có nhiễm phân của người bệnh dù là với lượng rất nhỏ.
Người bị viêm gan A rất dễ truyền bệnh cho những người trong gia đình do sinh hoạt cùng nhau, dùng chung đồ ăn thức uống,…Bệnh viêm gan A tuy dễ lây nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm phòng vắc-xin viêm gan A. Do đó mọi người nên tiêm phòng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh viêm gan A.
Những triệu chứng của bệnh viêm gan A
Những người mắc bệnh viêm gan A sẽ có những triệu chứng sau: sốt, luôn cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon miệng, buồn nôn, nước tiểu có màu sậm, đi ngoài phân có màu bạc và lỏng hơn bình thường. Biểu hiện bên ngoài thường thấy là bị vàng da, vàng mắt. Ngoài ra người bệnh còn bị đau bụng vùng hạ sườn bên phải khi ấn vào.
Trẻ em dưới 6 tuổi thường nhiễm viêm gan A sẽ không có những triệu chứng trên (khoảng 70%), nếu có thì sẽ không có biểu hiện vàng da. Khoảng 70% trẻ mắc bệnh ở tuổi lớn hơn mới bị vàng da. Khi đi khám bệnh, bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng ở da, mắt và sẽ khám bụng để xác định gan có to hơn bình thường hay không. Sau đó trẻ sẽ được làm xét nghiệm máu để xem hoạt động của gan có bất thường hay không và xác định loại vi-rút nào gây viêm gan.
Những đối tượng nên tiêm phòng viêm gan A
-Tất cả trẻ em trên 1 tuổi và những trẻ đang sống trong vùng đang có dịch đều phải được được tiêm phòng viêm gan A; những người mắc bệnh gan mãn tính; bệnh nhân đang điều trị với yếu tố đông máu. Ngoài ra những người làm việc liên quan tới vắc-xin viêm gan A trong phòng thì nghiệm cũng cần tiêm phòng vì đây là môi trường có khả năng nhiễm bệnh tương đối cao.
Về thời gian tiêm phòng viêm gan A: Để phòng ngừa bệnh cần tiêm 2 liều vắc-xin, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 tháng và có thể tiêm cùng với các loại vắc-xin phòng bệnh khác. Với đối tượng trẻ em, liều đầu tiên tiêm khi bé được 12-23 tháng tuổi. Nếu chưa được tiêm lúc dưới 2 tuổi thì trẻ có thể tiêm ngày sau đó. Đối với những người khác có thể tiêm phòng bất cứ khi nào nếu có nguy có nhiễm bệnh.
-Ngoài ra cần lưu ý không phải ai cũng có thể tiêm phòng viêm gan A: những người bị dị ứng với mũi tiêm viêm gan A trong lần đầu, dị ứng với các thành phần của vắc-xin và phụ nữ có thai cần thận trọng trước khi quyết định tiêm phòng.
Những phản ứng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng
Vắc xin ngừa viêm gan A có thể gây ra những phản ứng sau tiêm nhưng thông thường là những phản ứng nhẹ và rất hiếm khi xảy ra những phản ứng nặng.
Phản ứng nhẹ ở trẻ thường kéo dài từ 1-2 ngày với những biểu hiện sau:
– Đau, sưng ở chỗ tiêm
– Trẻ chán ăn, mệt mỏi, hay quấy khóc.
Những phản ứng nặng thường xảy ra trong khoảng vài phút hoặc một vài giờ sau tiêm. Vì vậy phụ huynh cần theo dõi tình trạng của bé sau khi tiêm phòng, nếu thấy có những dấu hiệu bất thường sau đây thì nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất: Trẻ sốt cao, khó thở, giọng khò khè, da tái xanh, có thay đổi về hành vi.