Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nhiễm vi-rút cấp tính gây tổn thương nghiêm trọng cho hệ thần kinh trung ương. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng viêm não Nhật Bản.
Tiêm phòng viêm não Nhật Bản khi nào?
-Trẻ em dưới 5 tuổi: tiêm khi trẻ được 12-15 tháng tuổi. Theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng trẻ sẽ được tiêm 3 mũi. Có thể tiêm nhắc lại sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.
-Trẻ trên 5 tuổi: nếu trẻ chưa tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản thì nên tiêm càng sớm càng tốt, tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc lại sau 5 năm.
-Đối với người lớn: nếu chưa từng tiêm phòng viêm não Nhật Bản thì nên tiêm 3 mũi cơ bản theo đúng lịch tiêm chủng quốc gia. Nếu đã từng tiêm những mũi cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ nên tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ ban đầu cho cơ thể chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản mũi thứ 2 và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau mũi tiêm thứ 3.
Những đối tượng nên tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
-Những người sống trong vùng hiện đang có bệnh viêm não Nhật Bản, nhất là với trẻ em từ 1-15 tuổi. Trẻ em từ 1-5 tuổi được tiêm phòng theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
-Khách du lịch, người đến công tác, người đi lao động, người nhập cư đến từ vùng không được miễn dịch, có thời gian lưu trú khoảng 1 tháng ở vùng nông thôn và hơn 12 tháng ở thành phố nơi có bệnh viêm não Nhật Bản đang lưu hành.
Những đối tượng không được tiêm hoặc hoãn tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản
-Những người bị dị ứng với thành phần thiomersal hoặc với các chế phẩm sản xuất từ não chuột, đã từng có dị ứng với vắc-xin viêm não Nhật Bản những lần tiêm phòng trước.
-Những người đang sốt cao hoặc mắc bệnh các bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.
-Những người đang mắc bệnh về tim mạch, gan, thận, đái tháo đường ở giai đoạn nặng, ung thư máu và các bệnh ác tính khác.
-Không tiêm cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ đang có thai.
-Không sử dụng cho người nhiễm HIV đã chuyển thành AIDS.
Tác dụng phụ có thể gặp sau khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản
-Tại vị trí tiêm phòng: bị sưng đỏ, có cảm giác đau. Biểu hiện này thường gặp ở 5 – 10% người được tiêm.
-Nhiều người thắc mắc tiêm phòng viêm não Nhật bản có bị sốt không? Một số rất ít trường hợp tiêm phòng sẽ có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng trên thường xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và sẽ tự hết sau 1-2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp khi tiêm mũi thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở tiêm mũi thứ nhất.
-Một vài trường hợp sẽ bị choáng sau khi tiêm trong vòng vài giờ đầu và cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để tiếm hành cấp cứu.
Phản ứng phụ khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản có thể được hạn chế nếu tiêm đúng thời gian, đúng liều lượng và tiêm đúng cách. Do vậy, trước khi tiêm cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe, tiền sử về bệnh lí, tiền sử dị ứng của trẻ để bác sĩ đưa ra tư vấn tiêm chủng hiệu quả nhất. Sau khi tiêm, cha mẹ nên cho con ngồi lại cơ sở tiêm phòng khoảng 30 phút để theo các phản ứng với vắc-xin của trẻ.