Bệnh viêm phổi là “thủ phạm” gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, có thể ngăn chặn được căn bệnh nguy hiểm này bằng việc tiêm phòng viêm phổi với vắc-xin phế cầu khuẩn.
Những triệu chứng của bệnh viêm phổi
Viêm phổi là một dạng của nhiễm trùng phổi, có thể do vi khuẩn, vi-rút hoặc kí sinh gây ra. Bệnh viêm phổi thường khởi phát sau khi đường hô hấp trên bị nhiễm trùng như nhiễm trùng mũi hoặc họng. Những dấu hiệu của viêm phổi thường rất giống với cảm lạnh và cúm thông thường.Trong đó đau ngực là biểu hiện hay gặp nhất. Ngoài ra có một số triệu chứng khác thường thấy như: sốt cao, cơ thể ớn lạnh, ho, thở nhanh bất thường, thở khò khè, nôn mửa, đau bụng, trẻ sơ sinh sẽ có dấu hiệu biếng ăn hoặc bỏ bú. Trường hợp nặng, môi và móng tay của trẻ bị xanh hoặc xám.
Phân loại bệnh viêm phổi
–Viêm phổi do vi khuẩn: triệu chứng bệnh thường xảy ra tương đối nhanh, bao gồm rét run, sốt cao kèm vã mồ hôi, bị khó thở, đau ngực, khi ho đờm đặc có màu xanh hoặc màu vàng. Viêm phổi do vi khuẩn gây ra thường khu trú ở một vùng (thuỳ) phổi và được gọi là viêm phổi thuỳ.
–Viêm phổi do vi-rut: Các triệu chứng của viêm phổi do vi-rút thường diễn biến từ từ và ít nghiêm trọng hơn so với viêm phổi do vi khuẩn. Trên thực tế, khoảng một nửa các trường hợp bị viêm phổi là do vi-rút. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho khan, đau cơ và mệt mỏi. Khi bệnh tiến triển, người bệnh có thể thấy khó thở, ho khạc đờm có màu trong hoặc màu trắng. Người bị viêm phổi vi-rut có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn rất cao.
–Viêm phổi do Mycoplasma: Các triệu chứng của bệnh giống với viêm phổi do vi khuẩn hoặc vi-rút, tuy nhiên thường nhẹ hơn và bệnh nhân có thể thậm chí không biết mình bị đang viêm phổi.
–Viêm phổi do nấm: Mặc dù ít gặp nhưng có một số loại nấm có thể gây ra viêm phổi. Viêm phổi do nấm có thể có rất ít triệu chứng nhưng ở một số trường hợp, người bệnh có thể bị viêm phổi cấp và dai dẳng.
–Viêm phổi do Pneumocystis carinii: là một dạng bệnh nhiễm trùng cơ hội hay gặp ở người nhiễm HIV/AIDS. Ngoài ra, những người có hệ miễn dịch suy yếu do ghép tạng, đang thực hiện hóa trị liệu hoặc điều trị corticosteroids hay các thuốc ức chế miễn dịch khác cũng có nguy cơ mắc bệnh. Những triệu chứng của viêm phổi do Pneumocystis carinii bao gồm ho dai dẳng, sốt cao và khó thở.
Tiêm phòng viêm phổi bằng vắc-xin phế cầu khuẩn
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh viêm phổi có thể phòng tránh được bằng cách tiêm ngừa viêm phổi bằng vacxin phòng bệnh phế cầu khuẩn. Đây sẽ là lớp lá chắn an toàn bảo vệ trẻ trước mọi tác nhân gây bệnh viêm phổi. Ở Việt Nam, loại vắc-xin này được biết đến với tên gọi PCV 13 ( tên thường gọi là Prevnar 13). Vắc-xin PCV 13 có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại các vi-rút gây bệnh viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng máu -những loại vi-rút gây tỉ lệ tử vong cao ở trẻ nhỏ. Có tổng cộng 4 mũi tiêm phòng viêm phổi dành cho trẻ khi trẻ được 2 tháng tuổi, 4 tháng tuổi, 6 tháng tuổi và 12 – 15 tháng tuổi.
Gần một nửa số trẻ sau khi tiêm phòng viêm phổi sẽ gặp các tác dụng phụ như: bị đỏ, đau, sưng tấy ở chỗ tiêm, buồn ngủ, sốt nhẹ hoặc trẻ quấy khóc, khó chịu. Nguy cơ trẻ tử vong hay gặp tổn hại nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin viêm phổi là rất thấp. Bởi vậy, các bậc cha mẹ nên tiêm phòng viêm phổi cho trẻ theo đúng lịch trình trong lịch tiêm chủng để hạn chế một cách tối đa nguy cơ mắc bệnh. Việc làm này không chỉ giúp trẻ ngừa viêm phổi mà còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai giữa hay nhiễm trùng máu.