Đón bé yêu chào đời sau 9 tháng mang nặng đẻ đau là niềm hạnh phúc vô bờ của bất kì người cha, người mẹ nào. Song bên cạnh niềm vui với thiên chức mới ấy cũng là lúc các ông bố, bà mẹ lại bước vào cuộc hành trình mới nhiều gian truân và thử thách hơn, đó là Nuôi Dạy Con. Và một trong những “bài học” đầu tiên trong chuyến hành trình này mà hầu hết bố mẹ đều gặp phải, đó là chiến đấu với những trận quấy khóc của các em bé hay thức đêm – ngủ ngày.
Có rất nhiều lý do tác động làm em bé quấy khóc, khiến cho bố mẹ và cả nhà đều mệt mỏi vì liên tục phải thức bế ẵm bé cả đêm. Vậy hãy cùng Hồng Ngọc tìm hiểu thêm các nguyên nhân gây nên hiện tượng này để cả gia đình cùng có phương pháp chăm sóc bé hợp lý nhất nhé!
Em bé bị căng thẳng
Bởi lẽ bé mới ra đời chưa được bao lâu, đang phải dần thích nghi với một môi trường hoàn toàn mới, nên cơ thể nói chung và hệ thần kinh của bé nói riêng rất nhạy cảm với thế giới xung quanh, nhất là với những yếu tố bất lợi như: ánh sáng, tiếng ồn hay việc phải di chuyển trong vòng tay của nhiều người. Những điều này dù chỉ đi quá giới hạn chịu đựng của bé một chút thôi cũng khiến bé trở nên khó chịu, căng thẳng và dẫn đến quấy khóc dai dẳng.
Em bé đói
Ở thời điểm này, khóc là cách giao tiếp duy nhất của bé khi muốn báo hiệu rằng bé đang đói. Ai cũng biết, dạ dày của trẻ sơ sinh còn rất nhỏ, vậy nên mỗi bữa bé thường ăn rất ít. Vì thế chỉ sau một thời gian ngắn, con lại có nhu cầu đòi ăn thêm. Và khóc chính là tín hiệu “xin ăn” của bé.
Em bé giật mìnhĐây là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Đối với những em bé có hệ thần kinh yếu, khi bị giật mình, con sẽ có xu hướng hoảng loạn và dẫn đến quấy khóc rất nhiều. Bé bị giật mình có thể là do yếu tố tự nhiên, cũng có thể do yếu tố bên ngoài tác động tới bé từ lúc bé còn thức như tiếng ồn. Vì vậy bạn cần chú ý giữ cho bé không tiếp xúc với quá nhiều tiếng ồn và cố gắng không cười đùa, nói to khi ở bên cạnh bé.
Em bé khó chịu hay không khỏe trong người
Bố mẹ hãy thường xuyên kiểm tra thân nhiệt của bé, chú ý tiếng khóc của bé xem con có gặp phải vấn đề gì về sức khỏe như: ho, hắt hơi, sổ mũi, đau bụng… hay không.
Vấn đề tiêu hóa của trẻ cũng là điều các mẹ nên đặc biệt chú ý. Nếu con đầy hơi hay chướng bụng quá có thể bé sẽ khóc rất nhiều. Khi con ăn xong mà thường xuyên khóc và cáu kỉnh, thì tốt nhất bố mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ và đưa bé tới thăm khám nếu hiện tượng diễn ra nhiều lần.
Quần áo, tã lót ẩm ướt gây ngứa ngáy cho em bé
Trẻ nhỏ thường rất nhạy cảm và ưa sạch sẽ, khô ráo, và thoáng mát. Bởi vậy các mẹ nhớ kiểm tra và thay tã lót, quần áo và thay cho bé thường xuyên, nhất là khi con bị ra nhiều mồ hôi.
Nhiệt độ, không khí trong phòng em bé
Nếu để nhiệt độ trong phòng nơi bé ngủ quá nóng hoặc quá lạnh so với thân nhiệt của bé, trẻ sẽ khó chịu và phản ứng lại bằng cách quấy khóc. Lưu ý rằng thân nhiệt của bé không giống như người lớn, vậy nên hãy tìm hiểu kĩ và chọn nhiệt độ trong phòng sao cho phù hợp với con và thời tiết ở ngoài môi trường nhất.