Viêm phổi ở trẻ là bệnh lý thường gặp. Bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng của trẻ nên ba mẹ không nên chủ quan để có thể bảo vệ sức khỏe cho bé một cách tốt nhất.
Viêm phổi ở trẻ là bệnh gì?
Phổi là một trong những cơ quan thiết yếu của cơ thể, thực hiện chức năng hô hấp để nuôi sống con người. Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp nặng, gây tổn thương nghiêm trọng đến nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp. Các túi khí trong phổi chứa đầy mủ và dịch nhầy. Từ đó, khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do các bệnh về đường hô hấp ở trẻ.
Viêm phổi có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, năm 2015, khoảng 16% trẻ dưới 5 tuổi tử vong là do viêm phổi.

Bệnh viêm phổi ở trẻ xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất vào mùa thu đông và đầu xuân. Bởi đây là thời gian có điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn phát triển. Bệnh viêm phổi lây qua đường hô hấp nên rất dễ lây lan khi trẻ ho, hắt hơi… Trẻ sơ sinh cũng có thể bị viêm phổi ngay từ khi sinh ra do lây qua đường máu ở giai đoạn khi sinh và ngay sau khi sinh.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ
Tác nhân gây viêm phổi là virus, vi khuẩn, kí sinh trùng và nấm. Trong khi đó hệ miễn dịch của bé còn yếu nên sẽ trở thành đối tượng rất dễ bị tấn công. Bệnh viêm phổi lại có thể lây lan qua đường hô hấp nên khi tiếp xúc với những đứa trẻ bị bệnh, tác nhân gây bệnh có thể lây lan thông qua việc hắt hơi, ho…
Trẻ sơ sinh cũng là đối tượng bị viêm phổi với tỉ lệ cao. Trẻ có thể mắc bệnh ngay trong bụng mẹ hoặc ngay trong lúc sinh. Tác nhân gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh là các loại vi khuẩn như Coli, Listeria, vi khuẩn Gram âm… Nguyên nhân có thể kể đến như:
- Trẻ có thể nhiễm bệnh trong lúc sinh do hít phải nước ối, phân su nhiễm khuẩn hoặc nuốt phải dịch tiết ở đường sinh dục của mẹ.
- Khi đỡ trẻ hoặc chăm sóc sau sinh. các dụng cụ và môi trường, cũng như người chăm sóc không được vô trùng kỹ có thể lây nhiễm vi khuẩn, nấm sang bé.
- Trẻ sơ sinh có bộ máy hô hấp chưa hoàn thiện nên khi trẻ bị viêm rất dễ gây phù nề niêm mạc đường thở và dễ lan rộng ra các cơ quan xung quanh. Do đó, viêm phổi ở trẻ sơ sinh thường tiến triển rất nhanh nếu không được xử lý kịp thời.
- Trẻ dưới 1 tuổi số lượng phế nang vẫn còn ít nên khi thở hầu như tất cả các phế nang đều phải làm việc và hoạt động nhanh hơn bình thường để có thể đáp ứng được nhu cầu oxy/kg cân nặng lớn hơn người lớn. Khi các phế nang phải hoạt động nhiều, nhịp thở tăng nhanh sẽ khiến trẻ kiệt sức và có thể bị suy hô hấp.
- Việc chăm sóc sai cách của ba mẹ cũng là nguyên nhân khiến bé bị viêm phổi, ví dụ như ủ con quá ấm, mồ hôi nhiều nhưng lại không thay quần áo ngay khiến mồ hôi thấm ngược vào trong cơ thể, cho trẻ ra ngoài trời vào sáng sớm hoặc đêm muộn dễ khiến trẻ bị cảm lạnh dẫn đến viêm phổi.

Triệu chứng viêm phổi ở trẻ ba mẹ không nên bỏ qua
Triệu chứng của bệnh viêm phổi ở trẻ thường không có biểu hiện quá rõ nét, dễ nhầm lẫn sang các bệnh viêm đường hô hấp trên thông thường như ho, viêm mũi họng…
Viêm phổi ở trẻ thường trải qua 2 giai đoạn là giai đoạn khởi phát và giai đoạn toàn phát với những biểu hiện như:
Giai đoạn khởi phát
Đây là giai đoạn đầu phát bệnh với những biểu hiện như sổ mũi, ho khan, đau mình, bỏ chơi, giảm bú, quấy khóc… Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể gặp phải các triệu chứng như nôn trớ, ọc sữa, tiêu chảy, chướng bụng. Những dấu hiệu này cũng có thể là biểu hiện của các bệnh viêm đường hô hấp trên hay bị rối loạn tiêu hóa nên rất khó nhận biết. Vì vậy, khi trẻ gặp phải những biểu hiện, ba mẹ không nên chủ quan mà phải đưa bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán bệnh chính xác.
Giai đoạn toàn phát
Sau giai đoạn khởi phát, bệnh của trẻ bước sang giai đoạn toàn phát với những biểu hiện nặng và rõ ràng hơn.

- Ho
Ho là biểu hiện điển hình của viêm phổi ở trẻ. Tuy nhiên, tùy thuộc vào loại viêm phổi mà trẻ sẽ có những biểu hiện ho khác nhau.
Với những trẻ bị viêm phổi do vi khuẩn, ho thường có đờm và đờm cũng sẽ đặc hơn. Ngược lại, với trẻ bị viêm phổi do virus thì ho thường ít đờm hơn. Đặc biệt, với những em bé có hệ miễn dịch kém, cơ thể sẽ ít có phản ứng với bệnh nên cơn ho có thể không có đờm.
- Sốt
Trong những biểu hiện viêm phổi ở trẻ do vi khuẩn và virus thì sốt là một dấu hiệu điển hình. Tuy nhiên, có một số trường hợp trẻ bị viêm phổi nhưng lại không kèm theo sốt. Đôi khi, hiện tượng hạ thân nhiệt lại có thể là dấu hiệu của viêm phổi do vi khuẩn.
- Ớn lạnh
Một biểu hiện của bệnh viêm phổi là những cơn ớn lạnh thường xuyên xảy ra một cách bất ng, rất nhanh và khá mạnh. Biểu hiện này khác với triệu chứng nổi da gà khi nhiệt độ cơ thể hạ.
Các chuyên gia còn cho biết, hiện tượng ớn lạnh kèm theo sốt là dấu hiệu của tình trạng vi khuẩn phát triển nhiều trong máu. Ba mẹ phải cho bé đi khám bệnh ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.

- Khó thở
Khi bị viêm phổi, bé sẽ cảm thấy khó thở. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi phổi là cơ quan chính phụ trách việc hô hấp trong cơ thể. Cũng vì khó thở, bé sẽ phải tăng nhịp thở để có thể cung cấp đủ oxy cho nhu cầu của cơ thể, từ đó dẫn đến cảm giác hụt hơi, thở dốc.
Viêm phổi có thê rlamf giảm lượng oxy vào máu, khiến môi bé tím tái và móng tay, móng chân chuyển màu nhợt nhạt. Nếu con có những dấu hiệu trên, ba mẹ phải đưa bé đi khám ngay.
- Đau tức ngực
Thở dốc kèm theo ho sẽ khiến bé đau ngực mỗi khi thở hoặc ho. Nếu cơn đau dữ dội hơn thì rất có thể phổi của bé đã bị nhiễm trùng. Điều này thật sự nguy hiểm đến sức khỏe của con. Nếu thấy con ho và luôn phải đưa tay lên ngực với vẻ mặt đau đớn, khó chịu, ba mẹ phải đưa bé đi khám bệnh ngay nhé.
- Đổ mồ hôi
Khi bị viêm phổi, cơ thể bé thường phải cố gắng để chống lại các tác nhân gây bệnh nên bé sẽ bị đổ mồ hôi, da hơi lạnh và ướt mỗi khi chạm vào.
Ba mẹ không được xem nhẹ hiện tượng này vì theo chuyên gia, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng máu, biến chứng vô cùng nguy hiểm do viêm phổi gây ra để đáp ứng với vi khuẩn trong máu.
- Các triệu chứng khác
Hầu hết trẻ bị viêm phổi đều có các triệu chứng như sốt, ớn lạnh, khó thở… Ngoài ra, bé có thể sẽ có những biểu hiện khác như kém ăn và bị mất nước. Bé sẽ thấy ăn không ngon, quấy khóc, mệt mỏi. Trẻ sơ sinh còn bị rối loạn tiêu hóa như ọc sữa, nôn trớ, tiêu chảy, nôn mửa.
Trẻ sơ sinh sẽ ăn kém hơn và bị mất nước. Trẻ em cảm thấy ăn không ngon miệng. Trẻ nhỏ sẽ quấy khóc hơn bình thường. Nhiều trẻ còn còn bị tình trạng đau bụng và nôn mửa.
Ngoài ra, trẻ còn có thể bị viêm da, mụn nhọt, viêm tai giữa, viêm Amidan…

Cần làm gì để phòng ngừa viêm phổi ở trẻ?
Viêm phổi là bệnh thường gặp, dễ lây lan ở trẻ nhỏ, nhất là những lúc giao mùa bởi các tác nhân có điều kiện thuận lợi để phát triển và gây bệnh. Chính vì vậy, ba mẹ cần chú ý để phòng ngừa bệnh cho con.
- Với trẻ sơ sinh, cần đặc biệt chú ý đến vấn đề khử trùng các thiết bị trong phòng đẻ và chế độ chăm sóc sau sinh phải đảm bảo vệ sinh, an toàn.
- Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và bú đến khi 2 tuổi để tăng sức đề kháng cho con.
- Cần mặc quần áo phù hợp với thời tiết, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát mùa hè, nhất là giữ ấm vùng cổ và ngực.
- Dạy con cách giữ gìn vệ sinh cá nhân và phòng ngủ, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; khi ho hay hắt hơi phải che miệng.
- Không cho bé tiếp xúc với những trẻ đang bị viêm phổi vì bệnh có thể lây lan dễ dàng qua đường hô hấp.
- Ba mẹ nên chú ý đến chế độ ăn của bé, cung cấp đủ vitamin, khoáng chất để bé có sức đề kháng khỏe mạnh, có thể chống lại vi khuẩn, virus từ môi trường tấn công cơ thể.
Như vậy, bài viết đã cung cấp những thông tin hữu ích về viêm phổi ở trẻ. Ba mẹ nên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ thường xuyên. Đặc biệt, nếu bé có những biểu hiện bất thường, dù chỉ là ho hay sốt thì cũng nên đưa con đi gặp bác sĩ để chẩn đoán bệnh chính xác, cũng như đưa ra phương pháp chữa trị bệnh kịp thời, hiệu quả, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.