Chảy máu cam là một bệnh xảy ra khá phổ biến ở trẻ em. Dù không phải là một hiện tượng hiếm gặp nhưng trẻ bị chảy máu cam lại làm cho nhiều cha mẹ cảm thấy lo lắng và bối rối.
Chảy máu cam là gì?
Chảy máu cam (hay còn gọi là chảy máu mũi) xuất hiện khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu. Đây là hiện tượng phổ biến và xuất hiện nhiều nhất ở trẻ từ 2-10 tuổi. Thông thường, hiện tượng chảy máu mũi xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng. Chảy máu cam tuy ít nguy hiểm đến tính mạng, nhưng dễ làm bệnh nhân và người nhà hốt hoảng, lo lắng. Trong trường hợp trẻ bị chảy máu kéo dài thì tác động nguy hiểm hơn là làm cho trẻ mất máu nhiều và tăng nguy cơ u xơ vòm mũi họng.
Xem thêm: dịch vụ khám tổng quát chuyên sâu cho bé
Phân loại chảy máu cam
Chảy máu mũi trước
Khoảng 90% trường hợp chảy máu cam từ phía trước mũi. Vị trí hay bị chảy máu nhiều nhất là ở phần dưới của vách ngăn mũi bởi đây là khu vực chứa nhiều mạch máu nhỏ, rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương. Tình trạng này khá phổ biến ở những vùng có khí hậu hanh khô. Niêm mạc bị khô sẽ khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.
Chảy máu mũi sau
Chỉ khoảng 10% trường hợp bị chảy máu mũi sau và thường liên quan tới các mạch máu ở cao và sâu hơn của mũi. Tuy hiện tượng này không phổ biến ở trẻ em nhưng lại nguy hiểm hơn, khó kiểm soát hơn và thường cần được chăm sóc y tế.
Trẻ bị chảy máu cam vì sao?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trẻ bị chảy máu cam. Trong đó, hơn 90% là do những tổn thương màng mạch ở vách ngăn mũi. Bên cạnh đó, cũng có những tình huống do trẻ tò mò, hiếu kỳ trong lúc vui chơi,… Dưới đây là một số nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam:
– Có khối u ở hốc mũi: Trẻ có thể có khối u lành tính hoặc ác tính ở mũi. Vì vậy, nếu trẻ bị chảy máu cam thường xuyên, cha mẹ nên đưa bé đi kiểm tra để được chẩn đoán chính xác.
– Độ ẩm ít: Không khí hanh khô sẽ làm cho các màng nhầy của vách ngăn mũi bé bị mất tính đàn hồi và khả năng co giãn. Lúc ấy, chỉ cần trẻ chà xát mũi hay hắt hơi cũng đủ để gây chảy máu cam.
– Thời tiết nóng nực: Vào mùa hè, thời tiết oi bức nên trẻ cũng thường bị nóng trong người, làm cho các mạch máu và cấu trúc trong mũi bị vỡ, gây ngứa ngáy. Trẻ em lại thường có tật hay ngoáy mũi nên sẽ làm vỡ mạch máu và chảy máu cam.
– Viêm mũi mãn tính: Ở những bé bị bệnh viêm mũi mãn tính, các động mạch và tĩnh mạch trong mũi sẽ bị mở rộng, dẫn đến sự bất thường hệ thống mạch máu và là một nguyên nhân khiến trẻ dễ bị chảy máu mũi.
– Thiếu dưỡng chất: Sự thiếu hụt vitamin C hay các bệnh lý di truyền liên quan đến sự thay đổi cấu trúc của thành mạch máu, tình trạng viêm mạch máu… đều có thể dẫn đến chảy máu cam.
– Ngoài ra, trẻ bị chảy máu mũi ở ngoài hốc mũi còn do bị cúm, thương hàn, sốt xuất huyết, viêm cầu thận hay những trẻ phải dùng thuốc chống đông kéo dài do điều trị một số bệnh tim mạch bẩm sinh.
Trẻ bị chảy máu cam có nguy hiểm không?
Thông thường, hiện tượng trẻ bị chảy máu cam ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bé xuất hiện những dấu hiệu sau thì bạn nên đưa con đi khám:
– Trẻ bị chảy máu cam sau khi ngã hoặc va đập vào vùng đầu hoặc vùng mũi.
– Trẻ bị mất nhiều máu do chảy máu cam và việc cầm máu cho bé không thành công.
– Sau khi sử dụng một loại thuốc mới thì bé bị chảy máu cam không ngừng.
– Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên.
– Trẻ vừa bị chảy máu cam lại vừa chảy máu ở bộ phận khác trên cơ thể.
Cách phòng tránh hiện tượng trẻ bị chảy máu cam
Để phòng ngừa chảy máu cam cho trẻ, các mẹ cần chủ động phòng tránh nguyên nhân gây nên bệnh lý này.
– Khi trẻ bị viêm mũi hay các bệnh về hệ tai – mũi – họng, mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Đồng thời chú ý nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi hay dụi mũi để tránh bị chảy máu cam.
– Các mẹ nên chú ý vệ sinh mũi cho trẻ bằng cách dùng nước muối sinh lý để rửa mũi. Chỉ cần thực hiện 2 lần/tuần đối với trẻ khỏe mạnh và nhiều hơn với những bé mắc bệnh viêm mũi theo chỉ định của bác sỹ.
– Chăm sóc bé và chú ý không để bé đưa bất kỳ vật gì vào trong mũi bởi thành mũi của bé vẫn đang rất yếu nên dễ bị tổn thương.
– Bổ sung các dưỡng chất đầy đủ, đặc biệt là vitamin C và đồng thời bổ sung thêm các loại rau củ quả như rau lá xanh, củ quả có vị chua cùng các loại quả có múi như cam, quýt hay các loại thực phẩm như cá trích, cá thu, các bơn… vào những bữa ăn hàng ngày nhằm cung cấp đầy đủ vitamin C và canxi cho trẻ. Đây là cách thiết thực giúp trẻ tránh bị chảy máu cam.
Xem thêm: Xét nghiệm sàng lọc sơ sinh