Trẻ bị nổi hạch ở cổ chủ yếu do nhiễm khuẩn hoặc virus, hạch thường có kích thước nhỏ. Tuy nhiên khi con trẻ có những dấu hiệu lạ thì bố mẹ thường rất lo lắng. Vậy nổi hạch ở cổ có lành tính hay không?
Nguyên nhân bị nổi hạch ở cổ
Hiện tượng cổ nổi hạch (nổi hạch ở cổ bên trái hoặc cổ bên phải) thường liên quan đến nhóm các bệnh lý sau:
+ Nhiễm trùng (bệnh sởi, bạch hầu, dịch hạch thể hạch, xoắn khuẩn lepto, tăng bạch cầu đơn nhân truyền nhiễm…)
+ Bệnh lao (lao phổi hoặc lao hạch)
+ Ung thư (ung thư hạch, hoặc di căn từ nơi khác vào hạch)
Hạch thường xuất hiện ở da hoặc các vùng tai – mũi – họng như mô mềm vùng đầu cổ, khoang miệng, họng, lưỡi, thanh quản, tai… Ngoài ra, một số ít trường hợp bị nổi hạch do dị ứng, nhiễm siêu vi, phản ứng phụ với thuốc hoặc gặp phải tình trạng rối loạn miễn dịch…
Nổi hạch ở cổ do nhiễm trùng
Những trường hợp này thường rất dễ nhận biết nhiễm trùng khi các bác sĩ khám tai mũi họng cho trẻ. Mẹ cũng có thể nhìn thấy được hạch như nhọt ngoài da, vết lở loét trong khoang miệng và lưỡi, viêm họng, viêm nướu hoặc áp xe nướu răng dễ dàng.
Hạch ở cổ do nhiễm trùng được xem là bình thường nếu có đường kính nhỏ hơn 1cm, khi sờ nắn thì hạch di chuyển qua lại mà không dính chặt với mô xung quanh, có giới hạn rõ rệt. Khi xuất hiện hạch ở cổ thì thường không đau và mềm vừa phải. Với nguyên nhân trên, bé chỉ cần điều trị với thuốc kháng sinh, kháng viêm từ 5 – 10 ngày.
Cổ nổi hạch do lao
Đặc điểm của hạch do lao là không đau, thường xuất hiện nhiều hạch thành từng chùm và thời gian xuất hiện khá lâu. Để xác định chính xác nguyên nhân gây hạch có phải do lao hay không thì phải dùng đến phương pháp chẩn đoán sinh thiết hạch.
Cổ nổi hạch do ung thư
Đặc điểm của hạch trong trường hợp này rất đặc biệt, chúng có kích thước lớn hơn 1cm, khả năng di chuyển kém vì dính chặt với mô xung quanh, bờ giới hạn không rõ ràng, có cảm giác đau khi sờ nắn và hạch khá cứng chắc.
Trẻ bị nổi hạch ở cổ khi nào cần cho đi khám?
Đa số trường hợp nổi hạch ở cổ do viêm nhiễm là lành tính và phát triển chậm. Tuy nhiên, nếu trẻ xuất hiện hạch cùng các biểu hiện bất thường dưới đây thì mẹ cần cho trẻ thăm khám kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài của bé:
+ Trẻ sốt cao trên 39 độ C
+ Trẻ có biểu hiện như khó nuốt, khó thở…
+ Hạch to nhanh, căng, gần vỡ…
Đặc biệt, nếu bị viêm hạch cổ và sốt cao, trẻ phải được hạ sốt bằng paracetamol với liều lượng phù hợp trước khi đưa trẻ đi khám nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ co giật do sốt quá cao.
Mẹ cần làm gì khi trẻ bị nổi hạch ở cổ?
Làm theo các bước dưới đây khi con bị nổi hạch ở cổ:
Điều trị đúng cách
Dù bị nổi hạch với bất cứ lý do gì thì trẻ cũng cần được uống thuốc và điều trị dưới sự chỉ định của bác sĩ cho đến khi triệu chứng bệnh giảm bớt hoặc khi hạch tự giới hạn và nhỏ lại. Mẹ có thể dùng bút vẽ lại kích thước của hạch để tiện so sánh với những lần sau đồng thời giúp quá trình điều trị thuận lợi hơn.
Chăm sóc đúng cách
Trong trường hợp này, trẻ được khuyến khích uống càng nhiều nước càng tốt. Mẹ có thể cho trẻ uống thêm một số loại nước ép trái cây giàu vitamin như chanh, ổi, cam, bưởi, dưa hấu… để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời cho trẻ súc miệng hàng ngày bằng nước muối sinh lý để làm sạch miệng.
Tránh sờ, nắn hạch
Cha mẹ cũng như trẻ đừng quá lo lắng và quan tâm đến hạch đồng thời không được sờ, nắn hạch bởi rất có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của hạch.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để có phương pháp điều trị đúng đắn, ngăn chặn sự phát triển của các hạch cũng như phòng tránh các biến chứng về sau.
Bạn đang đọc bài viết: Trẻ bị nổi hạch ở cổ có nguy hiểm hay không?