Trẻ chậm nói không phải là hiện tượng hiếm hoi trong xã hội hiện đại. Phát hiện các dấu hiệu trẻ chậm nói kịp thời sẽ giúp các bậc phụ huynh có cách khắc phục sớm cho con.
Dấu hiệu trẻ chậm nói
Các bậc phụ huynh cần lưu ý nếu trẻ từ 1-2 tuổi có những dấu hiệu chậm nói dưới đây:
– 1 tuổi nhưng bé vẫn không biết dùng các điệu bộ, cử chỉ như vẫy tay xin chào, tạm biệt.
– Trẻ 18 tháng nhưng không thích giao tiếp bằng lời nói, mà chỉ giao tiếp bằng cử chỉ.
– Trẻ 18 tháng không biết bắt chước những âm thanh đơn giản.
– Bé tỏ ra chậm hiểu trước những yêu cầu đơn giản của người lớn.
– Bé gặp khó khăn khi bắt chước những hành động của người lớn, thiếu để tâm khi làm mọi việc, đặc biệt không thể tập trung làm được việc gì đó lâu.
– Dù đã 2 tuổi nhưng bé vẫn không thể nói được 25 từ.
Cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ chuyên khoa khi bé 2-3 tuổi có những dấu hiệu chậm nói dưới đây:
– Thay vì dùng ngôn ngữ để biểu đạt ý muốn, bé thường khóc lóc, ăn vạ.
– Không thể tự phát ra âm thanh hoặc cụm từ nếu không được hướng dẫn.
– Thường phát ra những âm thanh vô nghĩa, lặp đi lặp lại vài từ, khó khăn trong giao tiếp với mọi người.
– Tỏ ra kém linh hoạt và không tuân theo những chỉ dẫn đơn giản của người lớn, như cha mẹ gọi tên nhưng không có phản ứng.
– Có giọng nói khác lạ (giọng mũi, giọng the thé, bắt chước tiếng con vật…).
– Khi phấn khích, bé lắc đầu liên tục.
– Thích xem quảng cáo và có thể say sưa hàng giờ với các thiết bị thông minh như điện thoại, ti vi, ipad… mà không để ý gì đến mọi thứ quanh mình.
– Ăn/ ngủ kém, không chịu nhai.
– Bố mẹ mặc dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể hiểu được trẻ nói gì.
Nguyên nhân trẻ chậm nói
– Trẻ chậm nói do gặp khiếm khuyết về miệng, vòm họng (môi, lưỡi, hàm…).
– Do thính giác có vấn đề, hạn chế về khả năng nghe khiến trẻ chậm nói.
– Bé bị nhốt ở nhà, chỉ chơi với đồ chơi, không được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài khiến trẻ chậm nói, cô lập, giảm khả năng giao tiếp, học hỏi.
– Thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử như lap top, điện thoại, ti vi…, lâu ngày dẫn tới lười giao tiếp, chậm nói.
– Cha mẹ quá nuông chiều làm cho trẻ chậm nói. Ví dụ như khi trẻ chỉ vào đồ vật bé muốn lấy, cha mẹ đã hiểu ngay và vội vàng đáp ứng mà không cho trẻ cơ hội được diễn đạt mong muốn của mình.
– Cha mẹ lười giao tiếp với trẻ là “tác nhân” làm cho trẻ chậm nói.
– Ở giai đoạn trẻ bi bô tập nói, cha mẹ đã dạy trẻ ngay những từ ngữ khó, phức tạp khiến trẻ chậm nói, gặp khó khăn trong diễn đạt.
Dạy trẻ chậm nói như thế nào?
– Người thân trong gia đình, đặc biệt là bố mẹ cần tăng cường giao tiếp, hỏi han bé thật nhiều giúp bé phong phú thêm từ điển ngôn từ, phát triển tư duy ngôn ngữ. Khi nói chuyện cùng bé, cha mẹ nên dùng cử chỉ và lời nói trìu mến, ân cần, thân mật để bé cảm nhận được sự quan tâm ấm áp, tin cậy, từ đó giúp bé cởi mở, thích chuyện trò hơn.
– Nói chuyện với bé mọi lúc mọi nơi (lúc bé ăn, tắm, đi chơi…). Khi làm bất cứ hành động nào, cha mẹ cũng giải thích cho bé hiểu giúp bé tự tạo được khả năng kết nối, xâu chuỗi, liên kết giữa các sự vật, sự việc. Từ đó, bé sẽ trở nên linh hoạt hơn trong việc vận dụng ngôn từ.
– Cần kiên nhẫn lắng nghe, cho bé cơ hội diễn đạt hết những lời sắp nói, đồng thời động viên, khen ngợi bé nhiều hơn để bé thích thú và hào hứng nói chuyện.
– Cần dạy trẻ những từ ngữ từ đơn giản đến phức tạp. Luyện cho bé nghe nhiều âm thanh khác nhau, rèn cho bé giao tiếp qua những hình ảnh hay điệu bộ.
– Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với điện thoại, ti vi… Quy định thời gian xem của bé. Mỗi khi bé xem hoạt hình, cha mẹ bình luận về những hình ảnh và lời thoại nhân vật giúp bé có sự tương tác.
– Không “nhại” theo cách nói sai, ngọng nghịu của trẻ, lâu dần sẽ khiến trẻ tạo thành thói quen khó sửa. Thay vào đó, cần dạy trẻ phát âm chuẩn, uốn nắn những cái sai của trẻ.
– Khi thấy trẻ nói lung tung, nói sai, cha mẹ không nên cười cợt, khiến bé tự ti, ngăn cản quá trình học nói của bé.
– Cho bé ra bên ngoài, tiếp xúc với mọi người xung quanh để bé được giao lưu, chơi đùa giúp bé dạn dĩ, nhanh nhẹn, tăng khả năng giao tiếp.
– Thường xuyên kể cho bé nghe những cuốn truyện tranh có nội dung dễ hiểu giúp bé có được vốn từ vựng cơ bản. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hát hoặc mở nhạc cho bé nghe.
– Năng chơi đùa cùng trẻ, đánh vần từng món đồ chơi và trò chơi mà bé yêu thích giúp bé ghi nhớ dễ dàng.
– Trẻ cần đi học mẫu giáo để tiếp cận với môi trường học tập, bạn bè đồng trang lứa nhằm mở rộng thế giới quan, làm phong phú thêm từ vựng và tăng khả năng giao tiếp.
Phòng tránh chậm nói ở trẻ
– Dành thật nhiều thời gian để trò chuyện, hỏi han, hát và bắt chước các âm thanh và cử chỉ cho con nghe khi bé còn đang ẵm ngửa.
– Đọc cho các bé từ 6 tháng tuổi nghe thật nhiều những câu chuyện bổ ích, sinh động.
– Trong các tình huống sinh hoạt hằng ngày nên khuyến khích trẻ nói và bộc lộ khả năng ngôn ngữ.