Hiện nay, bệnh trẻ chậm phát triển trí tuệ đang có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện đại khiến không ít các ông bố bà mẹ lo lắng. Vậy đây là căn bệnh như thế nào? Hãy cùng các bác sĩ Nhi khoa của bệnh viện Hồng Ngọc tìm hiểu về căn bệnh này nhé!
Nguyên nhân trẻ chậm phát triển trí tuệ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm phát triển ở trẻ, trong đó các nguyên nhân chủ yếu gồm: yếu tố di truyền, khi người mẹ mang thai bị ảnh hưởng bởi những tác động có hại nhất là trong ba tháng đầu của thai kì như mắc bệnh do vi rút, kí sinh trùng, hay uống một số loại thuốc kháng sinh gây hại cho thai nhi; trẻ sinh non, trẻ bị ngạt sơ sinh, bị ảnh hưởng do can thiệp sản khoa; trẻ mắc bệnh trong những năm đầu đời như viêm não…
Một số trẻ chậm phát triển trí tuệ còn do mắc phải hội chứng Down hay bệnh tự kỉ. Ngoài ra môi trường sống thiếu sự giao tiếp, thiếu quan hệ cũng là nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ. Nhiều cha mẹ lo ngại khi con cái tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên đã nhốt trẻ trong nhà chơi một mình với các đồ chơi. Việc này đồng nghĩa với cô lập trẻ, lâu dần sẽ khiến trẻ không có nhu cầu giao tiếp với xung quanh.
Dấu hiệu nhận biết trẻ chậm phát triển trí tuệ
Có thể phát hiện sớm dấu hiệu bệnh ở trẻ qua các triệu chứng ở mỗi giai đoạn như khi trẻ đến tuổi vẫn chậm về các hành động như: chậm lẫy, ngồi, đứng, đi… hay chậm phát triển ngôn ngữ, chậm nói, diễn đạt gặp nhiều khó khăn. Bé tư duy kém linh hoạt, không nhận biết được các màu sắc, thiếu tích cực trong quan sát. Khả năng ghi nhớ của bé kém, chậm hiểu với những cái mới và có thể quên ngày những cái vừa tiếp thu được. Ở những bé chậm phát triển về trí tuệ , bé thường mất tập trung khi làm một việc nào đó, chỉ để ý đến vẻ bên ngoài của sự vật mà không quan tâm đến những cái chi tiết.
Cách chăm sóc trẻ chậm phát triển trí tuệ
Khi mắc bệnh, khả năng tư duy của trẻ chậm hơn trẻ bình thường nên quá trình chăm sóc trẻ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy sự kiên trì và tình yêu thương dành cho trẻ là điều cần thiết khi làm công việc này. Các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ tới các trường giáo dục đặc biệt dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ. Tại đây trẻ sẽ được các bác sĩ thăm khám xem mức độ chậm phát triển của trẻ nặng hay nhẹ, để từ đó đưa ra các phương pháp điều trị bệnh thích hợp. Hơn nữa, đội ngũ giáo viên dạy trẻ chậm phát triển trí tuệ thường có chuyên môn tốt, dày dặn kinh nghiệm và có sự kiên trì, lòng nhiệt huyết và yêu thương trẻ. Cùng với đó là những phương pháp trị bệnh khác nhau phù hợp với tình trạng sức khỏe của từng bé. Đây là một môi trường chăm sóc toàn diện giúp các bé sớm khỏi bệnh để hòa nhập với cuộc sống.
Vai trò của cha mẹ trong việc chăm sóc trẻ chậm phát triển về trí tuệ là vô cùng quan trọng vì sẽ là người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất. Các bé sinh ra đã kém may mắn khi mắc phải căn bệnh này vì vậy cha mẹ phải dành nhiều thời gian cho con, kiên trì và yêu con, luôn đồng hành cùng con trên con đường tìm lại sự phát triển bình thường.
Cha mẹ nên cùng con thực hiện các hoạt động thường ngày như sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân, vui chơi, xem TV cùng con, đọc truyện cho con nghe… Hướng dẫn trẻ từ những hoạt động đơn giản nhất rồi mới đến hành động phức tạp. Đối với những hành động phức tạp cha mẹ nên lặp đi lặp lại nhiều lần cho trẻ nhớ và làm theo vì khả năng tiếp thu của trẻ chậm phát triển trí tuệ sẽ chậm hơn trẻ bình thường. Cha mẹ nên gần gũi trẻ, thủ thỉ tâm sự với trẻ nhiều hơn nữa. Cùng trẻ chơi các trò chơi vận động trí tuệ như lắp rắp chữ số, chữ cái, mô hình, nặn đất, tô tượng…hoặc bạn có thể tự nghĩ ra các trò chơi vận động để giúp bé vừa phát triển về thể chất vừa phát triển về tinh thần . Đặc biệt khi trẻ thực hiện tốt một việc gì đó cha mẹ nên dành lời khen ngợi con nhiều hơn để động viên khuyến khích trẻ.
Ngoài ra, các mẹ cũng nên cho bé ra ngoài chơi nhiều hơn để bé làm quen với thế giới xung quanh, để bé mạnh dạn hơn, không còn sợ hãi, rụt rè. Bạn có thể hướng dẫn bé tên gọi các đồ vật, sự việc hay màu sắc mà bạn và bé gặp được ở bên ngoài rồi dạy bé nói theo. Sau đó có thể hỏi bé những câu hỏi đơn giản để bé lặp lại những thông tin mà bạn vừa dạy bé. Mỗi lần đưa bé đi chơi cần tăng cường tương tác giữa cha mẹ và bé để giúp các bé nhận diện bước đầu về thế giới xung quanh mình đang sống.