Biếng ăn ở trẻ là nỗi ám ảnh của các bậc phụ huynh. “Chiến đấu” với trẻ biếng ăn là một “cuộc chiến” đầy nước mắt của bé và sự bực bội của những người làm cha mẹ. Bài viết sau đây sẽ chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến biếng ăn ở trẻ và cung cấp một số mẹo hay giúp bé ham ăn hơn.
Nguyên nhân biếng ăn ở trẻ
- Sức khoẻ của trẻ không được tốt. Trẻ mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá khiến trẻ gặp khó khăn trong việc ăn uống như khó nuốt, nuốt đau, ho, buồn nôn, nôn…
- Trẻ dùng kháng sinh dẫn đến loạn khuẩn đường ruột, chướng bụng, khó tiêu, dẫn tới biếng ăn.
- Với những trẻ năng động, thích chơi hoặc giao tiếp nhiều hơn ăn, chỉ ăn một vài miếng rồi lại quay ra chơi, nếu không can thiệp kịp thời, thói quen ăn lắt nhắt và mất tập trung có thể dẫn tới tình trạng biếng ăn ở trẻ.
- Trẻ ăn vặt quá nhiều, đến bữa ăn trẻ không muốn ăn cơm và thức ăn nữa, lâu dần trở thành thói quen khiến trẻ biếng ăn.
- Trẻ biếng ăn do sai lầm trong cách chế biến thức ăn cho trẻ như: cho bé ăn thường xuyên một thực đơn gây cảm giác chán ngán; chỉ cho trẻ ăn nước rau, nước thịt mà không cho trẻ ăn rau, thịt; cho trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn đến 2-3 tuổi rồi pha bột vào sữa, pha sữa không đúng tỷ lệ, pha sữa bằng nước cháo/nước hầm đậu/nước hầm xương…
- Cho trẻ ăn dặm hoặc ăn cơm quá sớm, nhồi nhét hay ép trẻ ăn bằng mọi cách cũng là những nguyên nhân dẫn tới chứng biếng ăn ở trẻ.
Dấu hiệu biếng ăn ở trẻ
- Trẻ cảm thấy e ngại khi thử những món mới.
- Bữa ăn của trẻ kéo dài hơn 30 phút, thậm chí có khi hơn.
- Khi ăn, trẻ chống đối bằng cách khóc, ưỡn người, ngậm chặt miệng, chạy trốn, buồn nôn, ngậm thức ăn thật lâu…
- So với các trẻ khác cùng lứa tuổi, bé ăn ít hơn hẳn.
Trị biếng ăn ở trẻ như thế nào?
Thời gian chuyển tiếp chế độ ăn của trẻ phải phù hợp, khoa học, không cho trẻ ăn dặm hoặc ăn cơm quá sớm.
Đối với trẻ từ 2 tuổi trở lên, nên tẩy giun cho trẻ 6 tháng/lần, vì trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng, thiếu máu, sức đề kháng kém…
Hãy tạo cho trẻ thói quen ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ giấc, vừa giúp bé không bỏ bữa, vừa rèn luyện tính kỷ luật. Với trẻ lớn hơn, thói quen đã ăn là phải ngồi vào ghế giúp bé ý thức được sự quan trọng và nghiêm túc trong ăn uống.
Cha mẹ cần thiết kế bữa ăn cho trẻ theo tháng tuổi, không cho trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít. Nên thường xuyên thay đổi thực phẩm cũng như cách chế biến các món, tránh thực đơn quá đơn điệu gây nhàm chán. Hãy cố gắng để các món ăn bày biện lên trên bàn ăn của trẻ trông thật màu sắc, hấp dẫn, bắt mắt và ngon lành. Tốt nhất nên dùng các thực phẩm tươi để chế biến tốt hơn các thực phẩm đã chế biến sẵn hay phơi khô.
Một số trẻ không ăn một vài loại thức ăn do trẻ không thích hoặc không hợp khẩu vị. Cha mẹ chỉ nên cho trẻ thử từng chút một các món ăn đa dạng khác nhau cho bé làm quen. Tăng dần số lượng lên vào lần sau, khi bé cảm thấy “an toàn” để nếm nhiều hơn, chứ không nên từ đầu đã ép bé ăn thật nhiều một món mà bé chưa quen thuộc.
Cha mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn ra thành nhiều bữa trong ngày. Ngoài 3 bữa ăn chính, thì cần cho trẻ thêm 2-3 bữa phụ. Như vậy sẽ giúp trẻ ăn được nhiều hơn, cho dù mỗi bữa bé có ăn ít thì mẹ cũng không lo trẻ thiếu dinh dưỡng.
Kết hợp với các bữa ăn cần cho trẻ uống đủ nước, đặc biệt là sữa cho trẻ biếng ăn, các loại nước hoa quả để cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất thiết yếu. Bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng mà trẻ có khả năng thiếu hụt như kẽm, vitamin nhóm B, vitamin A, D… theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Lưu ý, chỉ cho bé uống sau bữa ăn, chứ không để trẻ vừa ăn vừa uống, đặc biệt là trước bữa ăn.
Hạn chế cho trẻ ăn vặt. Một vài cánh kẹo, một vài cái bánh, một gói bim bim ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của các bé khi chuẩn bị vào bữa ăn.
Cha mẹ nên xem lại trẻ có bị thúc ép, gò bó quá mức mỗi khi ăn uống hay không. Cần tạo cho trẻ thoải mái tinh thần, để trẻ vui vẻ hơn khi tới giờ ăn. Khi “khởi động” bữa ăn, bố mẹ có thể thử ăn trước món ăn nào đó một cách ngon miệng và xuýt xoa khen ngon để kích thích sự tò mò và tạo cảm hứng ăn uống cho bé.
Hãy quan tâm đến không khí của bữa ăn. Khi ngồi ăn cùng bé bên bàn ăn gia đình, nếu mẹ kể chuyện có một con chim đến làm tổ trong vườn nhà thế nào, thế là bé vừa ăn vừa giỏng tai nghe, quên khuấy bát cơm đáng ghét. Cha mẹ cần hiểu, sự vội vã, lộn xộn, những xung khắc hằng ngày giữa cha mẹ sẽ khiến trẻ mất ngon.
Cần tăng cảm giác thèm ăn bằng cách làm cho cảm giác đói của trẻ được thoả mãn ngay lúc đó. Hạn chế những hành động khiến trẻ dễ xao nhãng bữa ăn như vừa xem ti vi, điện thoại vừa ăn, vừa chơi vừa ăn.
Nếu cha hay mẹ cho ăn mà trẻ nhỏ không chịu ăn thì có thể “đổi tay”, để người khác cho ăn. Còn đối với trẻ 2,3 tuổi trở lên thì đừng bón cho trẻ, hãy để cho bé tự ăn, để bé thấy rằng được ăn là một niềm vui, giống như chơi một trò chơi vậy.
Nếu có thể, mẹ hãy để bé cùng tham gia nấu nướng. Bé sẽ cảm thấy món rau cải mà bé tự tay nhặt hay món thịt mà bé tự tay trộn gia vị ngon hơn rất nhiều. Ngoài ra, mẹ có thể cho bé cùng đi chợ, đi siêu thị và tự chọn thức ăn cho bữa tối.
Rau hẹ giúp kích thích thèm ăn, vì vậy, mẹ có thể bổ sung thêm hẹ trong bữa ăn gia đình.
Nếu muốn trẻ tiêu thụ nhiều năng lượng, hãy để bé dành nhiều thời gian cho các hoạt động vận động như chạy, nhảy, leo trèo… trước giờ ăn, để con có cơ hội được đói, giúp bé ham ăn hơn.