Cận thị là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng nhiều bậc cha mẹ do không để ý nên khi bệnh của con nặng mới cho đi khám. Vậy triệu chứng bệnh cận thị ở trẻ em được biểu hiện như thế nào?
Một trong những triệu trứng bệnh cận thị ở trẻ em là gặp khó khăn trong việc nhìn các vật ở xa. Mọi thứ sẽ trở nên lờ mờ, không rõ ràng, thậm chí đối với trường hợp nặng còn không xác định được đó là vật gì. Ngoài ra còn có biểu hiện: Hay nheo mắt, mỏi mắt và nhức đầu. Bé sẽ cảm thấy mệt mỏi khi đi xe hoặc chơi thể thao…
Tuy nhiên bệnh cận thị ở trẻ em có các dạng khác nhau, mỗi loại sẽ có triệu chứng riêng:
Cận thị đơn thuần hay còn gọi là cận thị khúc xạ
Bệnh xảy ra do lực khúc xạ của mắt quá lớn, (do lực khúc xạ của giác mạc hoặc thể thủy tinh quy định) trong khi chiều dài trục nhãn cầu bình thường. Đây là loại cận thị hay gặp ở những trẻ bắt đầu ở tuổi đi học, độ cận của trẻ thường dưới 6D và không có tổn thương đáy mắt.
Tùy thuộc vào lứa tuổi bắt đầu bị cận mà cận thị sẽ phát triển nhanh hay chậm. Với trẻ dưới 8 tuổi nếu bị cận thì mỗi năm sẽ tăng lên 1D. Từ 8 – 10 tuổi mới bắt đầu bị cận thì mỗi năm nặng thêm 0.7D. Sau 10 tuổi thì cứ 3 năm phát triển thêm 1D. Dù cận thị bắt đầu ở lứa tuổi nào cũng phát triển trong vòng 3 hoặc 4 năm thì ngừng, nhưng sau đó có thể có những đợt phát triển mới làm cho mắt càng nặng. Với mỗi mức độ cận thị sẽ tương ứng với một thị lực khoảng:
Độ cận thị -0.5D có thị lực 4/10
Độ cận thị -1D có thị lực 2/10
Độ cận thị -1.5D có thị lực 1/10
Độ cận thị >2D có thị lực <1/10
Muốn nhìn rõ hơn, trẻ bị cận luôn luôn phải nheo mắt, đây cũng là dấu hiệu để chẩn đoán bệnh cận thị một cách dễ dàng. Ngược với nhìn xa, người cận thị nhẹ nhìn gần rất tốt, họ đọc sách với chữ rất nhỏ mà không cần mang kính, miễn sao có khoảng cách đúng tầm.
Cận thị bệnh hay còn gọi là cận thị trục
Bệnh xảy ra do trục nhãn cầu quá dài, trong khi lực khúc xạ của mắt bình thường. Trục nhãn cầu bị dài ra là do cấu trúc của thành nhãn cầu bị dãn mỏng. Loại cận thị này thường có tính chất di truyền và xảy ra ngay khi trẻ còn nhỏ tuổi, chưa đi học.
Đôi với trường hợp cận thị này, bệnh thường >-7D, có khi tới -20 hoặc -30D và nhất là có tổn hại ở đáy mắt. Cận thị tiến triển rất nhanh, làm thị lực giảm sút nhiều, đồng thời khiến võng mạc bị dãn mỏng dễ dẫn tới nguy cơ thoái hóa hắc võng mạc, rách võng mạc, thậm chí gây bong võng mạc dẫn tới mù lòa.
Thị lực rất thấp khi chưa điều chỉnh bằng kính. Dù với kính thích hợp nhất, thị lực thường chỉ đạt tới 4 – 5/10, có khi chỉ 1/10 hoặc 2/10, thích nghi trong tối kém. Do nhãn cầu dài nên mắt hơi lồi và có thể nhận thấy rõ.
Ở đáy mắt có nhiều đám thoái hóa hắc võng mạc rất điển hình, những đám này tròn trắng hay nhiều vòng. Đó là củng mạc được nhìn qua võng và hắc mạc đã bị teo. Lúc đầu, những đám này nhỏ, sau tập trung lên thành một mảng rộng. Thường gặp những tổn hại này ở cực sau, hình thái khá giống với một sẹo của viêm hắc mạc. Vì vậy người ta thường hay gọi là viêm hắc võng mạc cận thị. Trong quá trình tiến triển, cận thị còn kèm theo chảy máu, nhất là ở vùng hoàng điểm. Vết máu rút đi nhanh chóng và để lại một vệt đen gọi là vệt Fuchs.