Sau nhiều ngày bị sốt, những nốt mẩn đỏ giống như rôm sẩy bắt đầu xuất hiện trên mặt hay khắp cơ thể bé, đó chính là triệu chứng bệnh sốt phát ban ở trẻ em.
Sốt phát ban là bệnh thường gặp ở những trẻ nhỏ từ 5 – 36 tháng tuổi. Khi đó hệ miễn dịch của bé chưa hoàn thiện, do lượng kháng thể tự nhiên mẹ truyền cho trẻ đã giảm xuống đáng kể dẫn đến sức đề kháng của bé trở nên yếu ớt, là nguyên nhân để nhiều loại virus gây bệnh tấn công, trong đó có sốt phát ban. Thông thường, thời gian ủ bệnh (tức từ lúc tiếp xúc với siêu vi gây bệnh cho tới khi có triệu chứng) là từ 1 – 2 tuần.
Triệu chứng bệnh sốt phát ban ở trẻ em biểu hiện khá rõ rệt:
Sốt cao

Biểu hiện đầu tiên của những bé bị sốt phát ban là đột nhiên sốt cao, thường trên 39oC, thậm chí lên tới 40oC, có thể kèm theo sổ mũi, đau họng nhẹ hay nổi hạch ở cổ. Cơn sốt sẽ kéo dài từ 3 – 7 ngày.
Nổi nốt đỏ

Sau khi hết sốt, trên ngực, lưng, bụng, thậm chí khắp cơ thể bé bắt đầu xuất hiện các nốt đỏ, ngày một dày đặc, cũng có khi chỉ là những mảng nhỏ mầu hồng, xung quanh có thể có quầng trắng, phẳng hoặc nổi cộm.
Những nốt đỏ thường không gây đau rát hay quá ngứa ngáy và có thể kéo dài vài giờ tới vài ngày.
Các triệu chứng khác

Ngoài biểu hiện sốt cao, nổi ban đỏ, triệu chứng bệnh sốt phát ban ở trẻ em còn có: Tiêu chảy nhẹ, mí mắt sưng, chán ăn, cơ thể mệt mỏi, lười vận động…
Những triệu chứng cần đưa trẻ nhập viện ngay
Thông thường sốt phát ban không phải là bệnh nguy hiểm đến tính mạng, một số trường hợp cũng có thể điều trị tại nhà nhưng phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Nếu thấy bé có các biểu hiện sau thì lập tức nên đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị:
– Trẻ bị co giật do sốt quá cao
– Sau khi đã phát ban trẻ vẫn tiếp tục sốt cao .
– Có dấu hiệu thay đổi tri giác: Người lừ đừ, ngủ li bì dẫn đến hôn mê.
– Trẻ thở gấp, cảm thấy khó thở.
Bài viết trên đã chia sẻ đến các bậc cha mẹ về triệu chứng bệnh sốt phát ban ở trẻ em, nó sẽ giúp cho bạn có thêm kiến thức bổ ích để chăm sóc, điều trị bệnh cho bé một cách tốt nhất.
Xem thêm: Bệnh sốt xuất huyết ở trẻ