Nắm rõ triệu chứng của bệnh viêm tụy ở trẻ em sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này để có phương pháp điều trị kịp thời cho bé, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.
Triệu chứng bệnh viêm tụy cấp
Bệnh viêm tụy trẻ em có 2 dạng chính là viêm tụy cấp và viêm tụy mạn, mỗi thể lại có những triệu chứng riêng biệt. Đối với trẻ bị viêm tụy cấp đau là triệu chứng thường gặp nhất. Hầu như trẻ nào bị viêm tụy cấp cũng đều có triệu chứng này.
– Đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ tăng dần. Nếu đau xuất hiện đột ngột, đó là một dấu hiệu thường gặp trong các trường hợp nặng. Nếu diễn tiến từ từ, bệnh có thể khởi đầu nhẹ.
– Đau thường tập trung ở nửa bụng trên hoặc vùng bụng trên bên trái, có thể lan ra sau lưng
– Đau thường kéo dài trong vài ngày.
– Cơn đau thường xuất hiện hoặc nặng hơn khi ăn và tăng lên khi nằm ngửa.
Bên cạnh triệu chứng đau, bệnh nhân còn có thể có những triệu chứng khác như: Buồn nôn (một số người có thể nôn ra ngoài nhưng sau đó vẫn không làm giảm cảm giác buồn nôn), sốt, ớn lạnh, hoặc cả hai, người mệt mỏi, bụng chướng và nhạy cảm khi chạm. Nhịp tim nhanh (có thể do đau hoặc sốt, cũng có thể do phản xạ bù trừ khi bệnh nhân bị xuất huyết nội).
Trong những trường hợp nặng có nhiễm trùng hoặc chảy máu, bệnh nhân có thể bị mất nước và huyết áp thấp với những triệu chứng sau: Yếu hoặc cảm thấy mệt, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê, dễ bị kích thích, bồn chồn hoặc khó tập trung, đau đầu
Nếu huyết áp thấp quá mức, những cơ quan trong cơ thể không được cung cấp đủ máu nuôi để thực hiện những chức năng bình thường của chúng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm được gọi là sốc giảm thể tích.
Triệu chứng bệnh viêm tụy mạn
Đau thường ít gặp hơn trong viêm tụy mãn, chỉ một số ít bệnh nhân cảm thấy đau. Ở những bệnh nhân có triệu chứng đau, cơn đau thường âm ỉ, kéo dài, tuy nhiên, đau thường mất đi khi bệnh trở nên nặng hơn. Sự biến mất của cơn đau là một dấu hiệu xấu vì nó có thể đồng nghĩa với việc tụy đã ngừng hoạt động.
Một số triệu chứng khác trong viêm tụy mạn là do những biến chứng lâu dài của nó như:
– Không sản xuất insulin (đái tháo đường)
– Không có khả năng tiêu hóa thức ăn (giảm cân và thiếu chất dinh dưỡng)
– Chảy máu (công thức máu cho giá trị thấp, hoặc thiếu máu)
– Tổn thương gan (vàng da)
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bệnh
Khi gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây bạn cần đưa bé tới các phòng khám nhi để được các bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt: Không uống thuốc, uống nước và ăn được do buồn nôn hoặc nôn. Đau bụng dữ dội không giảm với những thuốc giảm đau thông thường. Khó thở kèm theo sốt và ớn lạnh, nôn kéo dài, hoa mắt, chóng mặt, hoặc mệt mỏi…