Trong xã hội hiện đại, số lượng trẻ em mắc các bệnh về tâm lý đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Vì vậy tư vấn tâm lý trẻ em là việc làm vô cùng cần thiết để giúp trẻ có thể phát triển một cách toàn diện về thể chất và tinh thần.
Tư vấn tâm lý trẻ em là gì?
Tư vấn tâm lý trẻ em là quá trình tương tác giữa người tư vấn với đối tượng là trẻ em – thường là những bé đang bị rối loạn về mặt tâm lý, nhằm giúp đỡ các bé cải thiện cuộc sống bằng cách khai thác nhận thức và thấu hiểu những suy nghĩ, cảm xúc, các hành vi của trẻ.
Các chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em sẽ đưa ra những lời khuyên hữu ích giúp trẻ cân bằng trạng thái tâm lý để hòa nhập với cuộc sống. Những người tư vấn tâm lý thường được đào tạo bài bản, chuyên sâu về chuyên ngành tâm lý; có đủ phẩm chất và kĩ năng có thể tư vấn, trợ giúp một cách tốt nhất cho trẻ.
Những đối tượng trẻ em nào cần được khám tư vấn tâm lí?
–Trẻ có triệu chứng của bệnh tự kỷ, ít nói, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh; thường sống khép mình không thể hòa nhập được với cuộc sống. Trẻ chậm nói, có hội chứng đái dầm. Những trẻ mắc bệnh trên có thể do yếu tố di truyền, bẩm sinh mắc phải một số bệnh liên quan tới não bộ, bị dị tật một số bộ phận trên cơ thể nhưng phần nhiều là do ảnh hưởng của môi trường sống như cha mẹ ít quan tâm chăm sóc.
– Trẻ có những trạng thái cảm xúc không ổn định, tâm lí thay đổi thất thường do đang trong độ tuổi dậy thì hoặc do áp lực học tập thi cử, gia đình, tình cảm nam nữ.Trẻ thường có biểu hiện buồn chán kéo dài hàng tháng hoặc trong nhiều năm, có thể có cảm giác lo âu và sợ hãi, dẫn tới trầm cảm kéo dài và cảm giác tự ti. Nguyên nhân có thể do cha mẹ đặt quá nhiều kì vọng ở con, đưa ra những chuẩn mực bắt con phải hướng đến khiến trẻ cảm thấy căng thẳng. Ngoài ra chuyện học hành thi cử cũng gây áp lực lên tâm lí của trẻ.
-Trẻ bị rối loạn về hành vi, hiếu động quá mức, thiếu sự tập trung trong mọi hoạt động. Những trẻ này thường có những hành vi rất nghịch ngợm và ngang bướng. Đôi khi lại thiếu tập trung, kém chú ý trong một số việc. Ở trường học, các em có thể vi phạm thường xuyên nội quy hoặc gây rối trong lớp học mà không kiểm soát được hành động của mình. Đây là những trường hợp rối loạn hành vi bẩm sinh, các yếu tố từ môi trường gia đình chỉ làm cho tình trạng này nhẹ đi hay tăng nặng hơn chứ không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ như vậy.
– Trẻ bị rối loạn về ăn uống: Các chứng rối loạn ăn uống ở trẻ thường biểu hiện như ăn quá ít hoặc ăn quá nhiều; ở nhiều trẻ lại có cảm giác rất thất vọng về cân nặng hoặc hình dáng cơ thể. Ở trẻ nhỏ là chứng biếng ăn, không chịu ăn còn ở trẻ thiếu niên là sự chán ăn, phần nhiều biểu hiện ở các em gái, do tâm lý nghĩ là mình quá thừa cân.
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc bệnh về tâm lý?
Trẻ em có những trạng thái tâm lí như cảm thấy lo âu hoặc buồn chán là những chuyện bình thường hằng ngày. Thế nên cha mẹ cần phải phần biệt được đâu là những dấu hiệu bình thường đâu là dấu hiệu của bệnh tâm lý. Nếu tình trạng lo âu, buồn chán ở trẻ diễn ra thường xuyên và trẻ kéo dài thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các chuyên gia tư vấn tâm lý trẻ em để được xác định về tình trạng bệnh của con em mình. Cho các chuyên gia tâm lí biết những hành vi bất ổn ở con khiến mình lo lắng để họ đưa ra những lời khuyên cần thiết.
Ngoài ra các mẹ cũng cần phối hợp với giáo viên để được nhận sự hỗ trợ vì phần lớn thời gian trong ngày con học tập ở trường. Giáo viên có thể giúp quan sát các hành vi, phát hiện những dấu hiệu trẻ có thể mắc bệnh tâm lý để kịp thời thông báo tới các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần quan tâm tới con em mình hơn nữa, lắng nghe và thấu hiểu những tậm sự của con, không nên áp đặt những việc mà trẻ không thích. Hãy để trẻ được phát triển một cách tự nhiên nhất.