U máu là loại u lành tính tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng đến nhan sắc của bé yêu. Loại u này hoàn toàn có thể chữa khỏi nên cha mẹ cần tham khảo bài viết dưới đây để có cách chữa trị kịp thời cho con.
Trẻ thường mắc u máu ngay sau khi sinh. Bệnh sẽ đạt cực đại khi con 1 tuổi và sẽ thoái lui khi con bước vào tuổi lên 2 hay 3. Điều này khiến rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng vì vết “bớt” đỏ trên khuôn mặt hay cơ thể ảnh hưởng đến con.
U máu ở trẻ sơ sinh là gì?
Theo Bác sĩ Nguyễn Nguyệt Nhã – Bệnh viện Hồng Ngọc thì “U máu là khối u bẩm sinh phổ biến nhất ở trẻ em. Đó là loại u lành tính của tế bào nội mạc lát thành mạch máu, thường xuất hiện lúc mới sinh và có đặc tính phát triển nhanh ở trẻ nhũ nhi”.
U máu thường nổi lên như nốt ruồi son, lớn dần theo cơ thể sau phát triển thành mảng hồng đậm màu hoặc gồ lên thành mảng. Bác sĩ cũng cho biết u mạch máu có thể xuất hiện mọi nơi trên cơ thể như: đầu, mặt, cổ, mắt, chân, tay, nội tạng (gan, thận)… vì thế bệnh nhân có thể đến khám ở các chuyên khoa, tuy nhiên tỉ lệ u mạch máu ở vùng đầu, mặt, cổ chiếm cao nhất trên 60%.
Dấu hiệu nhận biết u máu
U máu là loại bệnh thường gặp ở da trẻ em nên dấu hiệu nhận biết cũng rất đơn giản. Bệnh biểu hiện ở 3 cấp độ:
+ Cấp độ 1: Đây là dạng nhẹ với dấu hiệu là những thay đổi màu sắc xuất hiện màu đỏ, đỏ tím hoặc phớt xanh. Ở giai đoạn này chúng ít khi tạo thành u, cục hay khối mà đa phần chúng bằng phẳng như một cái bớt.
+ Cấp độ 2: Ở dạng này, u máu phát triển thành một khối u gồ lên, nổi lên thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng. Tất nhiên, chúng vẫn mang màu sắc như cũ, đó là màu của máu trong khối u.
+ Cấp độ 3: Giống cấp độ 2 nhưng biểu hiện kèm theo khi khối u vỡ ra hay biến chứng. Thường là chảy máu nếu như khối u ngoài da; vỡ và loét nếu như khối u ở sâu trong phần mềm.
U máu ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?
U máu ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý bẩm sinh về mạch máu. Nhìn chung đây là một loại u lành tính, không di căn, không tái phát nếu được điều trị đúng và đặc biệt không gây nguy hiểm đến tính mạng.
Tùy theo từng loại u máu cũng như mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra quyết định có nên điều trị hay không. Phần lớn u máu ở trẻ nhỏ thoái triển dần theo thời gian, đến khoảng 8 – 9 tuổi u máu sẽ thoái triển thành các tổ chức xơ mỡ. Tuy nhiên nếu u máu phát triển nhanh sẽ đe dọa đến sức khỏe hoặc ảnh hưởng thẩm mỹ thì cần được điều trị.
Lời khuyên của bác sĩ là phụ huynh nên cho trẻ em bị u máu là điều trị càng sớm càng tốt vì khi diện tích u còn nhỏ, mạch máu nhỏ sẽ giúp việc điều trị mang lại kết quả thành công cao.
Phương pháp điều trị u máu ở trẻ sơ sinh
Như đã nói, u máu đa phần lành tính và không cần điều trị đặc biệt. Nhưng cũng có những loại u máu không nhỏ đi mà tồn tại như một khối u thực sự gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và thẩm mỹ của bé. Các bước điều trị như sau:
+ Trong giai đoạn đầu, u máu sẽ nhỏ lại một cách đáng kể với các thuốc điều trị như corticoid (có dạng uống, dạng bôi và dạng tiêm trực tiếp vào khối u), hóa chất chống ung thư, thuốc chẹn beta.
+ Khi việc dùng thuốc không hiệu quả hoặc không thuyên giảm thì phẫu thuật được xem là một biện pháp triệt để. Có hai phương pháp phẫu thuật cơ bản là phẫu thuật bằng laser và cắt bỏ. Việc áp dụng theo phương pháp nào là tùy vào vị trí xuất hiện khối u ở trẻ sơ sinh, phẫu thuật bằng laser được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi thì cần được cân nhắc thận trọng trước mỗi quyết định điều trị nhằm đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất các tác hại xảy ra với bé yêu.
Bạn đang đọc bài viết: U máu ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?