Tuy mới vào đầu mùa dịch viêm não Nhật Bản, nhưng số ca nhiễm bệnh đã liên tục tăng lên trong những ngày qua. Đây là bệnh nguy hiểm, bởi có thể để lại di chứng, thậm chí gây tử vong. Sau đây là những thông tin mà bố mẹ cần biết về viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương.
Bệnh thường lây truyền từ lợn, chim, mang virus sang người qua muỗi chích có tên là Culex. Ở Việt Nam, viêm não Nhật Bản thường xảy ra cao điểm trong mùa hè – từ tháng 5 đến tháng 8. Nhiệt độ cao thuận lợi cho loài muỗi sinh sôi nảy nở và truyền bệnh. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất vào lúc chập tối.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc viêm não Nhật Bản, song chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi và đặc biệt nhóm trẻ từ 2-6 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng, phối hợp điều trị hỗ trợ và nâng cao thể trạng, sức khỏe cho người bệnh.
Biểu hiện của bệnh viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản thường diễn biến theo 4 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Thường kéo dài 5-14 ngày, trung bình là 1 tuần.
- Giai đoạn khởi phát: Bệnh khởi đầu với biểu hiện sốt và thường sốt rất cao 39-40 độ C. Bệnh thường xảy ra đột ngột, có trẻ đang khỏe mạnh bỗng dưng sốt cao, co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong 1-3 ngày. Diễn biến bệnh nặng lên rất nhanh. Bệnh còn có các biểu hiện kèm theo như rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn.
- Giai đoạn toàn phát: Virus xâm nhập vào tế bào não tuỷ gây huỷ hoại các tế bào thần kinh. Giai đoạn này diễn ra ngắn, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống. Những bệnh nhân vượt qua được thời kỳ này thì tiên lượng tốt hơn.
- Giai đoạn lui bệnh: Từ tuần thứ 2, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ. Vào khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ bệnh nhân trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh, không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.

Những di chứng và biến chứng của viêm não Nhật Bản
Viêm não Nhật Bản là một bệnh rất nguy hiểm, có thể khiến người nhiễm bệnh tử vong, hoặc để lại nhiều di chứng, biến chứng nghiêm trọng.
- Những di chứng sớm có thể gặp: bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động.
- Những biến chứng sớm có thể gặp: Viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng.
- Những biến chứng và di chứng muộn, hay gặp nhất là: loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá hoặc động kinh, nghe kém/điếc, rối loạn tâm thần..
Phòng ngừa viêm não Nhật Bản
Hiện nay, cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản quan trọng và hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc xin. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt 90 – 95% trong khoảng 3 năm.
Do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản sau:
– Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi.
– Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.
– Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 – 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Ngoài ra, các gia đình cũng cần có các biện pháp phòng ngừa khác như:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy.
- Khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc.
Lời khuyên:Bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện ngay nếu bé có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh viêm não Nhật Bản, hay gần đây đã đến hoặc ở trong khu vực có bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Các bác sĩ sẽ thăm khám, xét nghiệm và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nếu trẻ bị nhiễm bệnh, để tránh những biến chứng hoặc di chứng có thể xảy ra.