Bệnh nhiễm trùng ở trẻ rất đa dạng, có thể xuất hiện ở tất cả cơ quan. Hiện nay, nhiễm trùng ở trẻ vẫn là một trong những bệnh có tỷ lệ mắc đứng đầu trong mô hình bệnh ở nước ta. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nhiễm trùng ở trẻ có thể dẫn tới biến chứng và nguy cơ tử vong.
Nhiễm trùng da ở trẻ
Điều kiện thời tiết là yếu tố quan trọng gây nhiễm trùng da ở trẻ. Thời tiết thay đổi thất thường, khí hậu nóng bức làm trẻ ra nhiều mồ hôi, khiến bụi bẩn và vi khuẩn có điều kiện đeo bám trên da, gây viêm nhiễm da.
Thời tiết khắc nghiệt, mồ hôi tiết ra nhưng không thoát được hoàn toàn gây tắc tuyến mồ hôi, tạo cảm giác ngứa ngáy khó chịu cho bé. Khi bị cọ xát sẽ dẫn tới tổn thương bề mặt, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây nhiễm trùng da.
Nhiễm trùng da ở trẻ có thể gây tổn thương da ở nông hay sâu, hoặc chỉ khu trú ở một bộ phận của da như nang lông, tuyến mồ hôi. Ở trẻ em, bệnh nhiễm trùng da thường gặp là chốc và viêm kẽ.
Chốc: Biểu hiện của chốc là các mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh. Các mụn nước này nhanh chóng trở thành mụn mủ rồi vỡ và khô đi. Bệnh thường xảy ra ở phần da hở nhiều hơn như ở mặt. Ở da đầu, chốc có thể tăng tiết làm tóc bết lại rất khó chịu cho trẻ.
Nếu phát hiện và điều trị tích cực thì bệnh khỏi, ít tái phát và biến chứng. Tuy nhiên, nếu không chú ý thì bệnh có thể tiến triển và gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp tính, chàm hóa…
Khi trẻ bị chốc, cha mẹ cần làm bong vảy tiết bằng dung dịch nước muối 9% hay thuốc tím pha loãng 1/10.000. Khi mài mềm thì gỡ ra và rửa sạch mủ đọng bên dưới, lau khô rồi chấm dung dịch Milian hoặc Eosin. Đối với các trường hợp chốc khu trú thì có thể sử dụng các thuốc mỡ chứa kháng sinh tác dụng tại chỗ như Fucdin, Bactroban để bôi. Trường hợp bệnh lan rộng kèm sốt và có nguy cơ xảy ra biến chứng thì nên cho trẻ khám và nhập viện điều trị.
Viêm kẽ: Biểu hiện của viêm kẽ là các dát màu đỏ hoặc hồng có giới hạn tương đối rõ, có thể nứt, rỉ dịch kèm theo làm bé rất ngứa. Vị trí thường gặp là ở các nếp da dính vào nhau như vùng sau tai, nếp cổ, nếp khuỷu, kẽ ngón tay, nếp dưới vúm bẹn, quanh hậu môn…
Khi trẻ bị viêm kẽ, cha mẹ tránh ngâm tay chân bé lâu trong nước. Giữ các kẽ ngón tay, chân, các nếp luôn thông thoáng, tránh mặc tã quá chật và quá lâu. Có thể làm khô da bằng dung dịch Eosin hay Milian. Đối với các trường hợp năng hơn thì nên khám bệnh viện để được xử trí thích hợp.
Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ
Virus là nguyên nhân chính gây nhiễm trùng đường hô hấp. Hai loại virus phổ biến nhất là rhinovirus và coronavirus. Các loại virus khác bao gồm virus á cúm, virus hô hấp hợp bào và adenovirus có thể gây ra cảm lạnh nhưng cũng có thể gây viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nhiễm trùng đường hô hấp do virus thường lây lan nếu trẻ tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng của họ. Ngoài ra, virus thường lây lan từ người sang người do hắt hơi hoặc ho.
Một số bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến ở trẻ là viêm mũi, viêm thanh quản, viêm họng cấp, viêm xoang, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và hen suyễn.
Biểu hiện lâm sàng gồm: Sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi, khò khè, thở nhanh, khàn tiếng, mệt mỏi, ăn kém, bú kém, nôn trớ…
Khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi ở nhà, hạn chế cho trẻ ra ngoài.
Theo dõi nhiệt độ cơ thể trẻ, nới rộng và bỏ bớt quần áo, chăn đắp, lấy khăn thấm nước ấm chườm trán, nách, bẹn cho trẻ nếu trẻ sốt từ 37,5-38,5oC.
Cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất do sốt, đồng thời có một chế độ chăm sóc và dinh dưỡng tốt. Trẻ dưới 6 tháng tuổi cần bú sữa mẹ hoàn toàn. Trẻ lớn cho ăn đủ chất, thức ăn lỏng dễ tiêu và chia làm nhiều bữa trong ngày.
Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, họng cho trẻ nhiều lần trong ngày.
Không cần can thiệp nếu trẻ ho ít, vì ho là phản ứng giúp tống đẩy chất tiết ra ngoài. Trường hợp trẻ ho quá nhiều gây nôn trớ và mất ngủ, có thể cho trẻ uống nước ấm để làm loãng đờm, dịu bớt cơn ho.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở, làm sạch các dụng cụ chăm sóc và giữ vệ sinh cho trẻ.
Khi trẻ sốt kéo dài trên 3 ngày hoặc có các biểu hiện nặng như nhịp thở nhanh, tiếng thở rít, cánh mũi phập phồng, co rút lồng ngực, tím tái quanh môi, sốt cao gây co giật, bỏ bú/bỏ ăn, cha mẹ cần cho trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.
Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ
Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ thường do các loại vi khuẩn dạng campylobacter và vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) hay còn gọi là vi khuẩn đại tràng gây ra. Trẻ nhỏ hay mắc vì hệ tiêu hoá của trẻ trong những năm đầu đời còn non yếu. Con đường lây nhiễm bệnh nhiễm trùng đường ruột ở trẻ là do tiếp xúc với các đồ vật có chứa vi khuẩn.
Tùy vào mỗi loại vi khuẩn, mức độ nhiễm khuẩn và tình trạng sức khỏe của bé mà trẻ sẽ có một số biểu hiện sau: Ăn mất ngon, chán ăn; Buồn nôn và ói mửa; Tiêu chảy; Đau bụng và chuột rút; Máu trong phân; Sốt; Nếu kéo dài sẽ bị sụt cân, chậm lớn…
Khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột, đối với trẻ còn bú mẹ, cần tăng thêm bữa bú và thời gian bú. Trẻ không bú được, mẹ vắt sữa và cho ăn bằng thìa.
Đối với trẻ đã ăn dặm, cần chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Nấu các món mềm, dễ tiêu hoá, hấp thu, giàu dinh dưỡng như cháo, súp, sữa… Thường xuyên thay đổi món ăn đa dạng, hợp khẩu vị của trẻ, giúp trẻ nhanh chóng hồi phục và đẩy lùi nhiễm khuẩn đường ruột.
Các loại thực phẩm nên sử dụng cho trẻ mắc tình trạng nhiễm trùng đường ruột là gạo, khoai tây, rau củ có màu vàng hay đỏ/xanh đậm, các loại giá đỗ, thịt bò, gà, thịt thăn lợn, sữa, trứng, dầu thực vật, mỡ lợn, mỡ gà, các loại quả tươi…
Bổ sung thêm nước, nước hoa quả, nước cháo muối, nước oresol để bù nước và điện giải khi trẻ bị tiêu chảy.
Nếu trẻ không thuyên giảm triệu chứng sốt, nôn ói hay đi tiêu lỏng nhiều lần/ngày, mệt lả, lừ đừ, tay chân lạnh thì cần phải nhanh chóng đưa tới bệnh viện nếu không sẽ nguy kịch tới tính mạng.